Wednesday, November 30, 2005


Dõi tìm tông tích người xưa

Lời Giới Thiệu
Khoa học chính xác bao giờ cũng cần phải có tư liệu để nghiên cứu sâu và phát triển rộng những nhận thức về xã hội và nhân văn. Tìm kiếm, bổ sung, hiệu đính tư liệu là công việc hàng đầu của tất cả những nhà khoa học. Tư liệu khoa học giúp cho nhiều người, nhiều thế hệ nhà nghiên cứu khoa học, nhiều ngành khoa học phát triển. Song, việc làm tư liệu không phải là công việc đơn giản và ai cũng có thể làm được. Nhà khoa học đi vào con đường tìm kiếm tư liệu mới cũng lắm cực nhọc, cay đắng, tốn kém tiền của và lao lực bản thân, nhưng lại âm thầm ít ai biết đến, ít người thưởng thức và chia xẻ niềm tôn vinh nghề nghiệp. Chỉ có con người say mê cần mẫn quên mình và không nóng vội về công danh mới làm nên được một sự nghiệp tư liệu học.

Công việc nghiên cứu về gia phả học và nhà gia phả học Việt Nam, cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã dành một thời gian gần nữa thế kỷ để theo đuổi một công việc tư liệu cho khoa học: đó là sưu tầm, biên soạn gia phả các dòng họ ở Việt Nam. Đây là một công việc mà cụ Á Nam Trần Tuấn Khải gọi là "vấn tổ, tầm tông" cho "tiền đồ dân tộc”
[1] và nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê còn cho rằng "Những nhà viết sử Việt Nam sẽ nhờ ông mà có được nhiều tài liệu", "công việc trở về nguồn đó thật độc đáo và đáng quý" [2].Cố giáo sư Thái Ninh nhận xét "Sau nhiều năm say mê nghiên cứu, ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã thực sự trở thành chuyên gia số một ở nước ta về gia phả học" [3].

Thật vậy, cho đến nay, có lẽ cả nước cũng mới có một cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã dành hàng chục năm trời cho sự nghiệp gia phả học Việt Nam. Trong tương lai phát triển của sử học, dân tộc học, xã hội học và văn hóa dân gian Việt Nam, gia phả học sẽ có một vai trò quan trọng và xứng đáng hơn để góp phần làm phong phú và chính xác các nhận thức và tư duy khoa học. Các bạn trẻ đang làm luận án thạc sĩ. tiến sĩ khoa học về khoa học xã hội và nhân văn hãy để tâm và kế thừa một công việc đầy ý nghĩa này. Các nhà nghiên cứu đang công tác trên một số ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng cấn chú ý đến những tư liệu về gia phả học Việt Nam và góp phần thúc đẩy ngành khoa học này ngày càng phát triển cho xứng đáng với tầm quan trọng vốn có của nó.
Là người thuộc thế hệ ít tuổi, ít hiểu biết về gia phả học, tôi vinh dự được viết những dòng này để giới thiệu với bạn đọc về nhà gia phả học Việt Nam Dã Lan Nguyễn Đức Dụ và công trình nghiên cứu của cụ với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và tôn kính. Gia phả học Việt Nam nhất định sẽ có một tiền đồ sáng sủa trong tương lai.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 11 năm 1997 .
Viện trưởng Viện khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh
(thuộc trung tâm KHXH và NVQG)
Gs. Mạc Đường

Chút cảm nghĩ về ngành gia phả
LI TANA
LI TANA (tên chữ là Lý Bảo Thạch) là tác giả cuốn Luận án Tiến sĩ về Lịch sử Đàng Trong thời Chúa Nguyễn. Hiện dạy Khoa lich sử và chính tri trường Đại Học Quốc Gia Úc (UNIVERSITY OF WOLTONGONG AUSTRALLA)

Thật thú vị khi nghiệm bút để viết cảm nghĩ cho quyển sách "Dõi Tìm Tông Tích Người Xưa" quyển trứ tác thứ ba vế gia phả Việt Nam của bác Dã Lan Nguyễn Đức Dụ tác giả.

Điều kỳ thú là, gia phả đã có lâu đời ở miền Bắc Việt Nam, nhưng môn gia phả học ở Việt Nam lại nhờ bác Dã Lan là một người sống lâu năm ở miền Nam một vùng đất mới hình thành ba trăm năm nay mới được sáng lập trên đất nước miền Nam. Nói cách khác, là gốc gia phả tuy ở miền Bắc mà quả gia phả học lại kết tinh trên đất phì nhiêu của miền Nam. Cuộc Nam tiến truyền thống của dân tộc Việt Nam này làm cho tôi là một cựu sinh viên nghiên cứu về lịch sử Nam tiến của đất nước này nghĩ đến rất nhiều.

Quả thật tác phẩm của bác Dã Lan có đặc điểm của cả hai miền: Nghiên cứu cẩn thận, bút pháp có vẻ sử gia nhưng lại diễn tả với sự hiểu biết sâu xa về văn học của bác, cho nên gia phả mà bác Dã Lan biên soạn có một phong cách riêng, khác với những gia phả cổ truyền Việt Nam. Nói đúng hơn, bác Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã không những kế thừa một truyền thống lâu đời về gia phả đã tồn tại ở Việt Nam hơn nghìn năm, mà còn chỉnh lý và tổng kết lại kiến thức về môn học này, so sánh với những phương pháp nghiên cứu của Tây phương, lý luận hóa và phong phú thêm phần di sản quý báu của dân tộc Việt Nam này. Điều mà tôi thích nhất là khi hành văn bác Dã Lan lại không phô trương về kiến thức của mình, mà viết với một phong cách trong sáng, thong thả và dễ gần.

Là một người phụ nữ tôi vui mừng khi đọc những quan điểm của báu Dã Lan về gia phả học: gia phả ngày nay không nên ép buộc gò bó mãi trong lề lối cũ, mà trái lại, gia phả ngày nay phải được xây dựng theo một quan niệm mới... nên thêm ngành ngoại, tức là thêm cả con gái nữa chẳng hạn.

Là một học giả thuộc thế hệ trẻ, tôi xúc động khi đọc thu gom các dòng tộc mà bác Dã Lan viết. Tôi bùi ngùi khi tưởng tượng lại trong bao nhiêu năm gian nan bác chịu sống nghèo đi một xe đạp cũ cặm cụi mải mê đi tìm tông tích người xưa.
Bác Dã Lan đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu gia phả học và tìm được một lối biên soạn gia phả thật giản dị để dạy bảo thế hệ con cháu của mình như bác đã làm.
Tôi mừng cho nước Việt Nam đã có một học giả như bác Dã Lan.
Tôi cũng mừng cho mình đã quen và thân với một người Việt Nam có nhân cách chân thành, cương trực, phóng khoáng, và đầy đức hy sinh như bác Dã Lan Nguyễn Đức Dụ.
9/12/1995


[1] Á Nam Trần Tuấn Khởi ("Mấy lời giới thiệu" - Đông Kỷ Dậu. 1969).
[2] Nguyễn Hiến Lê (Giới thiệu "Lược khảo phổ trạng các nhà văn". 07/10/74 - sẽ xuất bản).
[3] Thái Ninh (Thông Tấn Xã Việt Nam - Thứ Bảy 28/1 1/92)

(Còn tiếp)
posted by phominhtu at
12:24 AM

1 Comments:

0 Comments:

Post a Comment

<< Home