Friday, November 25, 2005

Hương Ước - (Quảng ngãi)

Hương ước Quảng Ngãi

Xin giới thiệu với cộng đồng cư dân e-quangngai vài sưu tầm về Hương ước ở Quảng Ngãi trước đây. PMT tôi đọc xong và đã hiểu thêm được nhiều điều về ông bà mình.

----------------------------

HƯƠNG ƯỚC QUẢNG NGÃI TRƯỚC 1945
GS. Vũ Ngọc Khánh


Điều làm chúng ta chưa được hoàn toàn thỏa mãn lắm là những hương ước của tỉnh Quảng Ngãi trước năm 1945 mà chúng ta ghi chép được đều có niên đại rất muộn. Còn phải có nhiều công phu sưu tầm thực địa nữa, thì tài liệu thu thập mới có thể khá hơn, và như thế ta mới có được những hương ước của các thế kỷ trước. Thực ra phải công nhận rằng việc làm này là rất khó khăn đối với các tỉnh Trung bộ và Nam bộ. Chúng tôi hiện nay đang được tham gia chương trình khảo sát hương ước của Việt Nam và đang có những băn khoăn lo lắng về vấn đề này. Các tỉnh ở Bắc bộ hiện nay còn lưu trữ được khá nhiều hương ước, tuy số lượng những bản từ nửa đầu thế kỷ XIX về trước cũng không nhiều lắm. Nhưng dù sau khối lượng cũng khá phong phú, có nhiều bản hương ước Hán văn ghi chép công phu, có những tộc ước được khắc bằng sách đồng, có những đoan ước giữa các làng được khắc bằng bia đá v.v… Tình hình này trở nên không thuận lợi, khi chúng tôi tiến hành ở các tỉnh miền Trung trở vào. Những nơi tưởng chừng như rất dễ dàng khai thác như ở Thanh Hoá, Nghệ An, thì tài liệu cũng không có bao nhiêu. Sự mất mát đã đành là phải quy cho thời gian, cho biến cố lịch sử, nhưng cái thiếu sót của con người lại cũng rất nhiều . càng đi vào trong, càng gặp khó khăn, thậm chí có tỉnh đến nay vẫn chưa tìm ra được một bản hương ước nào, kể cả những hương ước viết bằng quốc ngữ vào những năm 30, 40 của thế kỷ này. Có thể có ý nghĩ rằng loại tài liệu như hương ước, ở một số nơi, việc sưu tầm gặp nhiều trở ngại, nhất là khi một số địa phương nào đó dễ có quan niệm rằng đây là tư liệu tiêu biểu nhất cho xã hội phong kiến lạc hậu ngày xưa, không nên lưu trữ. Các tài liệu khác dù sao cũng còn những thông tin cần thiết về lịch sử, văn chương, chứ loại hương ước chỉ ghi rặt những quy tắc về thờ thần thánh, về cổ bàn, về chỗ ngồi của các quan viên, hào mục v.v… thì là tài liệu lạc hậu quá. Những vị chức sắc củ trong nhà còn giữ được các thứ này, thì không ai bảo ai mà phải kiếm cách tiêu hủy, hoặc cất giấu vào một nơi để cuối cùng không thể biết là nó ở đâu nữa ! Ngay các bản gia phả, mà một thời gian người ta còn phải giấu giếm nữalà ! Cán bộ đang có một vị trí nào đấy – kể cả ở cấp cao – nếu trình bày gia phả của mình ra, trong đó có không ít những ông quan hoặc những ông nhà giàu hoặc những nhà khoa bảng v.v.. thì rõ ràng là thuộc thành phần có vấn đề, dù có thực sự được tín nhiệm là đã dứt khoát với giai cấp, thì cũng không khỏi có những ngần ngại áy náy ! Gia phả mà như thế thì hương ước bị coi nhẹ – (hoặc coi rẽ) là điều tất nhiên ! Ai mà biết được rằng đến ngày nó phải được lục ra, phải được trân trọng tìm đến.
Tình hình khách quan là như vậy, mà về chủ quan thì cái lỗi lại là ở chúng tôi. Chúng tôi đây là những anh em chị em đang được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho cái trách nhiệm – hoặc do chúng tôi tự nguyện – làm những cán bộ văn hoá. Chúng ta biết tầm quan trọng và sự cần thiết của vấn đề, nhưng lực bất tòng tâm, làm thế nào để có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Việc tổ chức sưu tầm hương ước hiện nay là việc rất khó khăn, dù nó được đặt vào công trình cấp Nhà nước, cũng vẫn không thể đủ kinh phí và thời gian để thực hiện được. Làm sao mà có thể đến hết mỗi làng trong các tỉnh, và mỗi làng lại có thể phải nằm ở đó hàng tháng trời, chưa chắc đã tìm thấy gì. Chúng ta đã có kế hoạch cho nhiều tổ chức, nhiều ngành, nhiều đoàn công tác thực địa (bảo tồn bảo tàng, văn nghệ dân gian…) nhưng mỗi đoàn một việc, thật khó mà phối hợp với nhau. Vả chăng tính cách tài liệu của một bản hương ước là rất riêng, không giống như các loại tài liệu sưu tầm khác. Người sưu tầm hương ước, một mặt phải có vấn đề hiểu biết về phong tục tập quán của đất nước, của địa phương, phải am hiểu lịch sử, và cố nhiên là phải biết… và biết nhiều chữ Hán, chữ Nôm. Những điều kiện ấy, chúng ta sẽ phải cố gắng hoàn thành dần dần, chứ không thể ngay trong một lúc. Thời gian sẽ làm mất mát đi ít nhiều, nhưng chúng ta vẫn phải chờ đợi với thời gian. Và trong hoàn cảnh ấy, cần phải kịp thời có những cố gắng để rút kinh nghiệm tình hình, để bảo quản những gì hiện có, và nhất là để có một bằng chứng cụ thể mà khích lệ chúng ta trong công việc khó khăn, phức tạp ấy.

Chính vì như vậy mà chúng tôi hết sức hoan nghênh các địa phương bước đầu có thể cố gắng cho ra những tập tài liệu sưu tầm hương ước (cả cổ cả kim) ở địa phương mình. Một vài tỉnh miền Bắc như Nam Hà, Hà Tây đã thử nghiệm một cách khiêm tốn. Chúng tôi đã có dịp giới thiệu tập hương ước Hà Tĩnh, tuy phần lớn cũng chỉ là hương ước gần đây, nhưng thực ra vẫn tìm được những tài liệu qúi. Hương ước cổ không tìm ra, tôi đã đề nghị Hà Tĩnh in thêm một số bản thúc ước; vì loại này, mặc dù nặng về công thức, nhưng thực sự đã là văn bản chứng minh hùng hồn cái VĂN HOÁ LÀNG cổ truyền của chúng ta. Văn hóa làng là vấn đề rất cần nghiên cứu kỹ, những hương ước giúp cho chúng ta thấy rõ vấn đề này (1). Ngoài ra, Hà Tĩnh lại phát hiện được một bản hương ước ở làng công giáo là loại hiếm có trong kho tàng (2) tuy tài liệu chỉ ra đời vài năm trước cách mạng tháng Tám. Như vậy thì cũng không nên nề hà kim cổ, không cần phải đợi tìm cho được nhiều hương ước cổ mới công bố. Vả chăng có một vấn đề thiết thực hơn nhiều đối với chúng ta, là chúng ta tìm xưa là vì nay, chứ chúng ta không phải là những con người chỉ chăm chăm đi tìm cái cổ. Có được hương ước cổ từ thế kỷ XVI, XVII là rất qúy và rất cần cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá sử. Song nghiên cứu hương ước cũng còn nhằm mục đích là để góp phần vào cái làng, cái xã mà chúng ta đang xây dựng bây giờ. Cả một làng quê cổ truyền với bao nhiêu ưu điểm của truyền thống, bao nhiêu hạn chế của lịch sử trước đây, hôm nay đang tiến vào thời đại mở cửa, để thực hiện việc xây dựng một quê hương “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”. Chúng tôi cho rằng các hương ước mà chúng ta cần có hôm nay phải là một quy ước để chúng ta nhắc nhủ nhau, khuyến khích nhau và quy định với nhau để làm sao cho làng ta giàu, làng ta mạnh, trong làng ta có sự công bình, có nếp sống văn minh. Thế thì việc phải làm là thử xem mấy thế kỷ qua, chúng ta đã làm gì, và những mục tiêu đặt ra đó, cái gì là chúng ta sẵn có, cái gì nay không hợp nữa. Một bản sưu tầm hương ước của Quảng Ngãi, hôm nay ra đời rất đáng hoan nghênh là ở chổ đó.

Hiện nay chúng ta chỉ có trong tay không đầy 10 bản hương ước từ trước 1945, sưu tầm ở Quảng Ngãi (3). Phần lớn đều soạn vào dịp chủ trương cải lương hương chính của chính phủ Nam triều. Nhiều bản có đủ chữ ký của chức sắc hào mục, triện lý trưởng và ấn thị thực của các cơ quan cấp tỉnh, (thường dùng chữ Pháp như ở các văn bản giấy tờ hành chánh thời kỳ này). Nhưng phần nội dung thì đều viết bằng quốc ngữ. Một số bản có nói rõ là đã khai thác các hương ước cổ ngày xưa để lại (nhưng không bản nào chưa rõ xuất xứ). Hầu hết các từ, các thuật ngữ đều dùng theo lối văn xưa. Có bản ghi đầy đủ các điều từ một đến bảy tám mươi khoản (bằng chữ số La mã), có mục chỉ ghi những khoản, đánh số Ả Rập cho các tiểu mục. Không có bản nào cổ, từ thế kỷ XIX trở về trước, nhưng cũng có một điều đáng lưu ý là cũng không thấy dấu vết gì nhắc đến chính quyền bảo hộ, chính quyền thực dân (thí dụ không thấy một điều khoản nào nhắc đến những viên công sứ, toàn quyền hoặc đến một ngành nào của chính quyền thực dân như sở đoan, đồn lính v.v…) Một số bản hương ước vào thời kỳ này, chúng tôi gặp cả các điều khoản yêu cầu làng xã phải đề phòng cộng sản (đúng với yêu cầu cải lương của thời kỳ bấy giờ). Nhưng các bản hương ước của Quảng Ngãi hiện tìm được không thấy những điều ấy. Rất dễ có cảm tưởng là dân Quảng Ngãi lúc bấy giờ (vào những thập kỷ 30,40) đã phần nào có ý thức soạn hương ước là vì quyền lợi của làng mình, chứ không phải vì vâng theo lệnh của quan trên để làm cho có lệ (4). Các điều quy định ghi trong từng hương ước không có con số nhất loạt như nhau. Có nơi như làng Diên Niên (huyện Sơn Tịnh) ghi đến 68 điều; có nơi như làng Quít Lâm (Mộ Đức) lại ghi thành 30 khỏan, có khoản gồm 12 điều. Thật là đa dạng. Sự đa dạng ấy càng chứng tỏ mối quan tâm của từng làng, chú ý đến những thuần phong mỹ tục ở nông thôn, mặc dầu những mục lớn được đề ra thì thường trùng nhau, có lẽ do cấp trên gợi ý: thí dụ trên các mục thường đặt theo nhóm: Cầm phòng cảnh giác, vệ sinh công cộng, cứu tai truất nạn v.v…

Bước đầu, nhìn qua những tài liệu hương ước đã có trong tay và đối chiếu với những yêu cầu xây dựng làng văn hoá hiện đại, ta đã có thể có một vài ghi nhận về truyền thống hương thôn Quảng ngãi, cả về sự thực hành cũng như về điều mong ước. Chúng tôi cho đó là điều rất đáng để cho chúng ta cùng rút kinh nghiệm tìm xem chỗ dở chỗ hay. Xin tạm lướt qua một vài điều để tiện cho việc khảo sát.

1. Điều rõ rệt mà chúng ta nhận thấy trong các bản hương ước là người dân rất quan tâm đến vấn đề tín ngưỡng, thờ cúng. Điều này cũng gần như là chung với tình hình hương ước trong cả nước. Dân ta kính thần, kính Phật, đã xây dựng các đình, chùa, đền miếu, làm nơi cho cả làng nghinh hương sùng báo. Và tất nhiên hàng năm, người ta phải tổ chức các ngày lễ, từ khai hạ, du xuân cho đến thượng điền, hạ điền, trung nguyên rồi sắp ấn v.v… Điều này không có gì lạ. Ngày nay chúng ta không tiến hành những cuộc lễ như vậy nữa, nhưng cũng không nên nhất loạt xem đó là hình thức lễ bái mê tín theo quan niệm duy tâm. Việc tín ngưỡng cầu mong của người đối với một vị thánh hoàng hay một đức Phật Quan Âm nào đó là quyền tín ngưỡng của con người, nếu không từ sự tín ngưỡng này mà đưa đến những trò mê tín dị đoan, cầu cúng nhảm nhí, thì chúng ta không nên xâm phạm, dè bỉu hay chê trách. Trước niềm tin thần, tin Phật của người dân, thái độ chúng ta là nên tôn trọng, tìm hiểu, kính cẩn. Đừng nên đụng chạm đến vấn đề tâm linh ấy, vì thực ra tự ta, ta cũng chưa xác định nổi vấn đề, dù ta có sẵn lợi khí là những thành quả của khoa học thực nghiệm. Vả chăng, sự tin vào Thần Thánh hay Trời Phật, Mẫu hay Chúa vẫn chỉ giúp cho con người đi tới, hướng tới cái Thiện, cái Mỹ mà thôi. Họ chưa đạt đến, song họ mong được đạt đến thì vẫn là một điều ước mong chính đáng. Do đó, nếu đọc hầu hết những chuyện cúng bái, tế tự v.v… thì ta nên có thái độ “kính nhi viễn chi”. Như vậy theo chúng tôi là hợp lý hơn cả. Chỉ duy có một điều, mà người ta rất khó chấp nhận là ngày xưa ngưới ta thật quá chú trọng về ẩm thực. Lễ thần, lễ Phật thì phải có cỗ xôi, có thủ lợn, đầu gà. Việc phân chia các phần để hưởng “lộc thánh” ấy là vô cùng quan trọng. Ta đã biết trong cuốn phóng sự Việc làng của Ngô Tất Tố, có anh mõ đạt trình độ chia thịt gà điêu luyện đến như thế nào: Các cổ cho thủ chỉ, cho phần nhưng, cho kiến tại v.v… Anh ta đều chia được rất rành mạch dứt khoát, những bản hương ước ta được đọc không phải tác phẩm nghệ thuật, nhưng vẫn gợi ra cái cảm tưởng ấy không mấy nỗi sai lầm ! Thì ra, cái tục (đang xem là hủ tục) rất đậm đà ở Bắc bộ, lại cũng được lặp lại ở vùng Quảng Ngãi đất mới (sau các thế kỷ XV, XVI) xa xôi này. Ý thức làng của dân tộc Việt Nam ta quả là sâu sắc. Đọc những chi tiết ấy, tôi không nghĩ đến hủ tục là cái ta dễ dàng gạt bỏ mà nghĩ nhiều đến cái làng cổ truyền của chúng ta. Xây dựng làng văn hoá mới, ta có cách gì để khai thác được phần sâu sắc ấy, và gạt bớt những điều lạc hậu ấy. Như đã nói trên, gạt bớt là việc dễ dàng, nhưng cái nếp thấm sâu đến bền vững về mặt phong tục thì nên làm sao?
Vả chăng, có vấn đề này chúng ta cũng nên lưu tâm đến. Ngày xưa, dân ta hay có những cuộc lễ bái hay hội hè. Đó là nhu cầu vui chơi, thể mỹ của dân chúng. Chuyện Thần, Phật ở đâu không rõ, nhưng đó chính là cái cớ cho dân chúng được gặp gỡ vui vẻ với nhau (tất cả già trẻ gái trai chứ không riêng một tầng lớp nào). Bây giờ ta cũng có nhiều cuộc vui, nhiều lễ kỷ niệm, song phải nói thực là không phải cuộc nào cũng có được yêu cầu hấp dẫn, phổ biến như những cuộc hội làng. Nếu không có lễ bái, hội hè thì người nông dân quanh năm lam lũ, đầu tắt mặt tối, có dịp nào để hưởng chút quyền lợi văn hoá của họ. Phải hiểu cái ẩn ý, cái tinh thần và cái phương pháp ấy, để vận dụng vào cái mới ngày nay, chứ không thể nhất loạt xoá nhoà (talbe rase) như đã có lúc chúng ta hơi thiên lệch.

Đặc biệt, một vài bản hương ước Quảng Ngãi, tôi đã được gặp một chi tiết rất đáng qúy, mà khi xem một số hương ước của cả nước (tôi đã được xem hàng ngàn bản) tôi thấy không có nhiều. Đó là trong việc tế tự ở đình chùa đền miếu, một vài nơi tại Quảng Ngãi đã rất chú ý đến sự thờ phụng các tiên hiền. Thờ tiên hiền thì nhiều nơi có, có nơi có hẳn miền tiên hiền thậm chí người ta còn gọi là cồn tiên hiền.Song việc cúng lễ này là theo quy ước riêng, rất ít khi được đưa vào hương ước. Làng Quýt Lâm, tổng Ca Đức, phủ Mộ Đức hương ước có ghi hai khoản rõ ràng: khoản 8 và khoản 9, giao việc phải làm lễ kỵ tiền hậu hiền vào những ngày 16 tháng 9 và ngày 24 tháng chạp. Hương ước có ghi các vị tiền hậu hiền này là những vị thuộc các họ Lê, Huỳnh, Nguyễn, Phạm (tứ phái), và phải tổ chức lễ cúng trong đình. Dịp cúng tháng chạp, cúng xong, hương dịch lại phải đưa dân phu đến sửa sang các mả tiền hậu hiền (và ghi rõ: “tại ấp Vĩnh Yến chứ không biết thuộc về phái nào”). Cùng bản hương ước này, điều thứ 11, lại có ghi là làng còn có nhiệm vụ vào ngày kỵ và ngày Nguyên đán phải đến giỗ lệ kỵ quan Cố tham tri Trịnh đại nhân (?). Quy định còn nói rằng ai đến dự mà “thất lễ thất nghi” thì phạt một bàn trầu cau, rượu. Dân thường mà thất lễ thì phạt dịch một ngày. Người tàn tật, người có bệnh không được phép dự. Quả là chặt chẽ ! Hương ước làng Diên Niên, tổng Tịnh Thượng, phủ Sơn Tịnh lại ghi rõ làng có nhà thờ tiên hiền Phan Quang tôn thần là có phần chắc chắn, các sắc thần của làng đều được lưu tại nhà thờ ấy, mỗi năm hai lần, hương lý phải đến coi sóc và niêm lại cho tử tế. Ngày rằm tháng hai, tại đình có lễ tế xuân, người đứng chủ bái phải là tiên thứ chỉ, còn người bồi bái thì phải là một người trong họ Phan Quang, hương ước gọi là Phan Quang Tôn thần tự trưởng (khoản 10, mục 4). Hiện tại, tôi chưa có điều kiện tìm hiểu xem các vị tiền hậu hiền các họ Lê, Huỳnh, Nguyễn, Phạm là những ai, và Phan Quang Tôn thần có sự tích hành trạng như thế nào. Nhưng chỉ riêng việc hương ước các làng Quảng Ngãi có ghi các chi tiết này, thì quả là điều đáng trân trọng. Nó chứng tỏ người dân Quảng Ngãi không chỉ kính trọng thần linh chung chung mà họ thực có lòng biết ơn đối với các tổ tiên của các dòng họ. Như đã nói trên, có nhiều nơi thờ thành hoàng làng, thờ các vị khai canh, khai cơ, thâm chí có nơi lập hẳn cái đền thờ mà dân làng gọi là đền thờ ông nội ông ngoại ở Hà Tỉnh (5). Nhưng việc thờ phụng thì có, mà đưa vào thành điều khoản hương ước thì không phải ở đâu cũng có. Không rõ ngày nay, trong các quy ước làng văn hoá mới, chúng ta có nghĩ đến điều khoản này không? Có hương ước mới nào đã có ghi trách nhiệm phải đi thăm nghĩa trang liệt sĩ, thăm mộ các nhà lão thành ở quê hương mình? Phải chăng đó cũng là một hình thức mà hương ước phải ghi để giáo dục truyền thống đạo đức cho dân chúng và các thế hệ cho xóm thôn, làng xã?

2. Điều thứ hai cũng đáng để ý trong tập hương ước này mà vấn đề mà ngay trong hương ước đều ghi rất nhất quán: vấn đề vệ nông. Đất nước ta bao đời nay, lấy nghề nông làm chính, huơng ước nêu lên những vấn đề cho việc sản xuất, bảo vệ nông nghiệp là điều tất nhiên. Xem qua các văn bản này, ta cũng thấy có được vài nét riêng của miền đất Quảng Ngãi. Thời gian tính đến hôm nay, chỉ mới độ năm sáu chục năm, tình hình thiên nhiên đất đai có lẽ chưa thay đổi nhiều lắm, cái quy ước hiện đại thử đối chiếu với cách nhìn của các bậc cha anh xưa xem có khai thác được gì không. Tôi thấy rằng bốn chữ “nước, phân, cần, giống”, trước đây, mà chữ nước được đặt lên đầu, thì các hương ước Quảng Ngãi đã tỏ ra hết sức tôn trọng. Hầu như tất cả các hương ước đều có đặt vấn đề giữ nguyên, điều hoà và cả việc bán và nước cho việc cày cấy. Việc đắp đập đắp mương đã được lưu ý đặc biệt (hương ước làng Diên Trường, làng Diên Niên, làng Long Phụng, làng Nam An, làng Phủ Lễ): có làng như làng Thi Phổ nhì, tổng Lại Đức, phủ Mộ Đức ghi đến 16 điều (từ khoản thứ 11 đến khoản thứ 27). Làng Quýt Lâm đặc biệt cho ghi vào hương ước từng tên đập có chiều sâu, chiều dài và diện của đập là bao nhiêu, đồng thời ghi rất rõ nhiệm vụ đắp đập, vét mương rất cụ thể. Hương ước còn ghi những quy định về việc mua nước, khi đồng điền của làng bị khô hạn. Có hẳn một cái qũy ( thời ấy, bạc Đông đương lên đến hàng trăm ở trong một làng là số tiền to lắm), dùng để làm “bạc vốn vệ nông đời đời, gặp khi mua nước thì mượn đỡ rồi trả lại”. Lệ phí trả công cho người đưa nước về cũng được quy định rõ. Phí tổn, những chủ ruộng phải chịu, nhưng nơi nào mà nước không chảy đến được thì hào mục và những người hào lý phải có cách ứng xử v.v… Cũng làng Quýt Lâm này, có những điều khoản khá rõ ràng về “khoán đồng”, “khoán rẫy” v.v…định rõ việc canh giữ hoa lợi, điều mà tất cả các bản hương ước đều lưu ý đến. Việc giữ gìn hoa màu, chống trộm cắp, không cho thả vịt phá lúa ngoài đồng đều được ghi rất cẩn thận.

Bảo vệ môi trường cũng là điều được các làng chú ý đến. Hương ước làng Diên Niên (phủ Sơn Tịnh), khoản thứ 45 ghi rất kiên quyết về việc bảo vệ tre: “cấm không được cuốc phá gốc tre, đốn tre”. Hương ước làng Long Phụng (tổng Lại Đức, phủ Mộ Đức) lại có điều thứ năm, khoản thứ tư:”cấm không được cắt trộm măng, bất kể măng của chủ nào”v.v… Những làng có đường xe hoả đi qua hương ước cũng ghi nghiêm cấm sự cuốc phá thân đường, hay cho trâu bò đến ăn cỏ, cả các đường tổng lộ, hương lộ (hương ước làng Phủ Lễ, tổng Bình thượng, phủ Bình sơn, điều thứ 30). Còn những việc như gìn giữ vệ sinh cho các giếng công cộng, chôn các súc vật chết vào những nơi quy định để cho trong sạch xóm làng thì hương ước nào cũng có. Đặc biệt các làng có bến đò còn quy định mỗi chuyến đò không được chở quá 25 người, đề phòng tai nạn (hương ước làng Long Phụng, điều9). Quảng Ngãi là một tỉnh nổi tiếng về việc trồng mía, làm đường, cũng hương ước làng Long Phụng là có quy định việc thu tiền canh giữ hoa lợi cho ruộng mía và ruộng lúa khác nhau là bao nhiêu.

Hương ước là tài liệu chủ yếu để lưu ý cho dân chúng trong làng biết cách ứng xử thường ngày thế nào cvho đảm bảo được thuần phong mỹ tục. Điều này thì toàn bộ hương ước Quảng Ngãi cũng có thấy những ý kiến tương tự như ở nhiều nơi. Việc cấm chưởi bới đánh nhau, gây chuyện v.v.. Việc cấm trộm cắp, việc giúp đỡ nhau khi cháy nhà, lụt lội, việc tổ chức các đám hiếu hỉ, phải bảo đảm tiết kiệm, chú trọng đến nghĩa tình là chính v.v… Không biết sự thực hiện hương ước tiến hành như thế nào, việc làm có đi đôi với lời nói không. Nhưng ngay việc nhớ đến những điều khoản, những nội dung ấy để hằng ngày nhắc nhủ nhau, đã là đáng qúy.

3. Không rõ trước dây, việc khai thông dân trí ở tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước tiến như thế nào. Nhưng nhìn chung qua các hương ước về mặt trí dục thì thấy có khá nhiều điều đáng chú ý. Làng Diên Niên (phủ Sơn Tịnh), không rõ chịu ảnh hưởng củaphong trào truyền bá quốc ngữ hay không, mà hương ước khoản 43 có ghi rõ là đưa những người đổi bằng sơ học Pháp Việt “luân phiên dạy gấp người trưởng thành không biết chữ, cứ mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ đến học… trong 15 ngày đủ biết đọc chữ quốc ngữ và biết viết thì thôi, mười người khác đến học, thầy giáo cũng luân phiên đến dạy, dầu đèn về phần làng chịu, trích tiền công ra mua v.v…”Hoạt động truyền bá Quốc ngữ mà được đưa vào hương ước thì đó là điều đáng chú ý lắm. Và quả thật, người dân Quảng Ngãi đã rất chú ý đến việc học. Có làng như làng Long Phụng dành ra một mẫu ruộng, gọi là ruộng khuyến học (hương ước điều thứ 6). Những người đỗ đạt trong làng từ thấp đến cao đều có thưởng. Học trò học trong trường tiểu học của làng, cứ đứng thứ 7 trở lên thì có thưởng giấy bút (hương ước Phủ Lễ, Bình sơn, khoản 37). Làng Quýt Lâm (Mộ Đức) còn có lệ là sẵn sàng tổ chức lễ bái yết cho những ai thi đỗ từ Thành chung trở lên, nếu muốn tổ chức rước về làng như ngày xưa vinh quy khoa giáp thì làng cũng đồng ý (hương ước khoản 23). Lại cho làm thêu những lá cờ, thêu các chữ Tân học tú tài, Tân học cử nhân đễ tặng cho những ai đổ Baccalaureat hoặc Licencie (nguyên văn trong hương ước). Làng Long phụng kể trên còn hội đồng “bắt dân đem nghi trượng rước học sinh về nhà, lại trích bạc khuyến học sắm câu đối thêu đi mừng” (điều thứ 6).

4. Có một điểm khá đặc sắc cũng ít gặp ở nhiều hương ước khác là hình như người dân Quảng Ngãi rất có ý thức biểu dương công lao của những người có thành tích trong làng. Rất tiếc là ta chưa tiến hành được một cuộc sưu tầm thực địa, tra cứu tài liệu để xem sự thực tình hình đã diễn ra như thế nào, nhưng cứ theo hương ước thì có nhiều điều thú vị.

Chẳng hạn như hương ước làng Diên Niên (phủ Sơn Tịnh) điều khoản 60, có ghi một điểm: làng này có một cuốn sổ gọi là sổ hương sách. Các hương chức trong làng, người nào mẫn cán công bình, không có tội gì, lại hay hưng lợi trừ hại, có công trạng thì được ghi chép vào sổ này, để lưu danh về sau và yết tại nhà hội, để đều ghi biết. Hương ước làng Diên Trường (Đức Phổ), tiết thứ 8 có khoản: “Người nào có công đức với làng, làm nhiều điều ích lợi cho công chúng, hương chức tận tâm làm việc, người nhiệt thành cứu giúp tai nạn, thời đem cao tọa thứ lên hạng người có công lao, khi tế tự cũng trích kính một phần biếu, hoặc làm một bản danh dự yết tên các người ấy vào chỗ hội quán, hoặc tùy trường hợp mà thưởng bạc từ một đồng trở xuống”.Đặc biệt có làng An Chỉ (tổng Hành Thượng, huyện Nghĩa Hành) hương ước khoản tiết thứ 18, có sáng kiến đưa ra một số thuật ngữ mới có tính cách sáng tạo. Cứ theo lời hương ước thì làng này có 2 bản:

- Điều khoản ghi: “Trong làng có sự thưởng phạt nhân hậu có sự khuyến khích. Làng khắc hai cái bản, một cái gọi là Nguyệt đán phiên hương, một cái gọi là Thân minh đình treo ở đình làng.

- Đối với làng, ai có công tâm, công lý hoặc làm gì công ích, công lợi, trong làng đều công nhận, hoặc người làm được kỹ nghệ gì khéo, đậu được bằng cấp gì cao, phẩm hạnh hiếu để khác thường, thời ghi vào bản Nguyệt đán phiên hương, và tọa thứ lên một bực. Để thư khuyến việc định thưởng thời do Hội đồng Đại hào mục xét.

- Còn người nào đối với làng không có công tâm, và làm nhiều việc nhũng lạm, hoặc không thể trật tự luân thường, không lo làm ăn, thời ghi vào bản Thân minh đình và thấp tọa thứ xuống một bực để thư trừng”.

Hai thuật ngữ: Nguyệt đán phiên hương, Thân minh đình này rõ ràng là sáng kiến hay. Không rõ hương ước các nơi có hay không, riêng ở Quảng Ngãi thì chỉ mới thấy được ghi ở hương ước làng An Chỉ.

Ngày nay chúng ta đã có nhiều hình thức như chứng chỉ khen tặng, sổ vàng, sổ danh dự,v.v… không ai lạ gì, nhưng nếu quy ước làng văn hoá mới có ghi thêm, thì cũng là điều cần để chứng minh sự tiếp nối truyền thống.

5. Thêm một vấn đề mà chúng tôi thấy rằng các hương ước Quảng Ngãi tỏ ra rất lưu tâm. Đó là việc tổ chức lực lượng cán bộ thôn xã. Làng là một đơn vị phải cáng đáng rất nhiều công việc. Bất kỳ công việc của Bộ, Nha, Sở, Tỉnh, Huyện, Tổng, v.v… đều đưa xuống làng. Vậy mà theo cách tổ chức ngày xưa thì thực tế bắt tay vào việc chỉ là có mấy ông: Lý trưởng và Ngũ hương. Một số làng có thêm hương hội (có chánh phó hương hội). Làng phải tự sắp xếp, chỉ định thêm một số nhân vật như loại Trương tuần, Khán thủ hoặc các Vạn trưởng, các ông Biền (vùng duyên hải). Song những điều này, người ta ít đưa vào hương ước. Ở Quảng Ngãi, vấn đề này có được thành quy chế hẳn hoi. Hương ước làng Quýt Lâm (Mộ Đức) có hẳn điều khoản thứ 26, ghi mục là: Cử thêm hương và chua rõ: Đồng hương bàn đặt chứ không có bằng quan. Theo đó, làng đặt thêm 7 chức nữa vì “việc làng thì nhiều, cần phải đông người mới chạy việc, phải xin đặt thêm như sau này:

Một người thủ sắc phụng giữ sắc thần.

Một người tư lễ chăm sóc văn tế.

Một người làm yển trưởng, hai người chuyên yển (không câu chánh ngụ) đốc sức coi làm việc đập.

Một người kiểm thủ giữ đồ thờ cho làng

Một người tư nghi mỗi kỳ tế thì trấn thiết và bài tứ sinh phẩm.

Một người phó hương kiểm theo phụ với hương kiểm đốc sức về việc canh tuần.

Một người thư ký cho hương bổn nhận lãnh tiền lúa chi tiêu việc làng.

Một người tư thừa coi giữ sở đình và quét dọn vườn đình.

Dịch mục (trùm) trong sáu ấp, mỗi ấp một người theo hương lý sai bát và làm khoán đồng khoán cấm.

Mấy chức trên đây đều hạn ba năm.

Việc cử người làm việc thêm trong làng, phụ dịch cho lý hương là việc bình thường, không có ghi vào hương ước là có ý nghĩa hay, đưa tổ chức vào nề nếp. Ngày nay ở các xã chúng ta có thể có đông người, đông việc hơn, nào mặt trận, nào đoàn thể, v.v.. Nhưng có lẽ ít có làng nghĩ đến việc thể chế hoá cho có quy củ như ở Quýt Lâm. Phải công nhận đây là sáng kiến đáng chú ý. Thật ra, thì hương ước nhiều làng khác ở Qủang Ngãi, còn có nhiều chức vụ hơn nữa, ví dụ theo dõi việc đồng điền thì cử người tri yển, theo dõi đê điều thì có đê trưởng, v.v… các chức vị này đều được ghi vào hương ước.

Tôi chưa rõ các làng Việt Nam ta từ xưa (thời Lê Nguyễn trở về trước) có lập ra các hội đồng tộc biểu hay không. Sản phẩm này được biết là có từ trước thời kỳ cải lương hương chính ít lâu, nhất là vào thời kỳ những năm 1930-1931. Chủ ý của những nhà cầm quyền (Pháp và Nam triều) hồi đó đặt ra tộc biểu là cốt để có người giám sát các dòng họ trong làng, ngăn cấm con em trong họ tham gia vào các phong trào do Đảng Cộng Sản ta tổ chức như công hội, nông hội. Ở Nghệ Tĩnh, tổ chức chính quyền phong kiến bị phá vỡ, có các xã bộ nông điều hành các việc. Vì sợ ảnh hưởng này tồn tại, cần phải đặt ra những tộc biểu. Song đọc trong các hương ước Quảng Ngãi, ta lại thấy tộc biểu có nhiều, nhưng không có câu nào liên hệ đến trách nhiệm tộc biểu đến tình hình chính trị. Đại đa số các tộc biểu (các làng Quýt Lâm, Phủ Lễ, thi Phổ Nhì v.v… và nhiều nữa), chỉ thấy họ là những người được giao trách nhiệm gìn giữ thuần phong mỹ tục, chủ yếu là trong dòng họ nhà mình, nếu trong họ có một việc bất bình nào đó xảy ra, thì tộc biểu phải lo thu xếp trước; ngăn ngừa con em, hoà giải các mâu thuẫn (làng Phủ Lễ huyện Bình Sơn). Khi tộc biểu không giải quyết được thì mới tiến sang hình thức: tộc biểu báo cáo với hội đồng làng về con em mình để nhờ xử lý (Hương ước làng Thi Phổ Nhì, Mộ Đức). Cuối cùng nếu không ổn mới đem ra hào mục xử, hoặc quá nữa thì phải lên quan. Nếu tộc biểu làm được trách nhiệm này tốt, thì cũng là một điều ích lợi. Tác dụng của vấn đề này lại có điều hay là giúp cho các dòng họ luôn luôn phải có ý thức về dòng họ của mình. Các làng ở nông thôn Việt Nam xưa, vấn đề dòng họ là rất quan trọng, chú trọng đến việc giáo dục như thế cho tốt, đúng với yêu cầu xây dựng làng thì các yêu cầu chính trị trong thâm ý của chính quyền thực dân phong kliến sẽ bị mờ đi mà không phát huy nổi tác dụng nữa.

6. Các hương ước được đặt ra như thế, có thực hiện được không, hay chỉ là việc làm cho có, hoặc chỉ là những đòi hỏi lý thuyết chung chung, thấy là hay mà không thực hiện được? Điều này rất khó trả lời, chẳng riêng gì cho các làng ở Quảng Ngãi. Nhưng chúng ta thấy có một điều, là quả thực một khi đã có hương ước, người dân rất trông mong là nó phải được thực thi. Muốn vậy hương ước cần được phổ biến một cách sâu rộng va bền bĩ. Hầu như bản hương ước nào cũng có ghi điều khoản là hương ước phải luôn luôn được đọc đi đọc lại cho dân chúng ghi nhớ. Làng Quýt Lâm ghi rõ hàng năm, vào ngày 5 và 16 tháng 2 phải đọc lại hương ước một lần. Thực hiện có đúng và có chuyên không, ta sẽ điều tra sau, song như vậy quả là chu đáo.

Có thể nói thêm một số điều về các bảng hương ước Quảng Ngãi mà chúng ta đã sưu tầm được, và chúng ta cũng hy vọng rồi đây, ta sẽ phát hiện được những bản cổ hơn, chắc cũng có những thông tin mới hơn. Nhưng ngay đây, ta cũng đã thấy các bậc cha anh xưa đã thực sự quan tâm đến văn hoá làng. Và giờ đây, hy vọng khi lập quy ước cho những làng văn hoá mới, ta biết khai thác những điều hay để phát huy, những điều dở để khắc phục. Làng văn hoá mới của chúng ta ngày nay tất nhiên là phải có nhiều ưu điểm hơn, song những quy ước mới mà quá sơ sài, không học tập được ý thức xây làng trước đây, thì có lẽ chúng ta sẽ không có thể vừa lòng với chúng ta được.

Ghi Chú:

(1): Vấn đề văn hoá làng, chúng tôi đã có dịp cùng với các Giáo sư Nguyễn Duy Trứ (Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc trung tâm KHXH và NVQG), Thành duy, Bùi Khắc Việt phát biểu trên Đài Truyền hình Việt Nam, suốt một thời gian dài từ đầu tháng 6.1993. sau đó các tỉnh Thanh Hoá, Hà Bắc đều có cho in lại (cùng trong năm ấy)
(2): Vấn đề này chúng tôi cũng đã có dịp báo cáo tại Đại hội toàn quốc về việc xây dựng làng văn hoá mới do bộ Văn hoá tổ chức ngày 19.3.1966. Báo Người đại biểu nhân dân, cơ quan của Quốc hội Việt Nam cũng đã đăng lại.
(3): Trong tập sách này, Sở Văn hoá thông tin Quảng Ngãi đã cho in hết. Trong quá trình sưu tầm, nếu phát hiện được nữa, ta sẽ bổ sung sau.
(4): Tên các làng xã trong các bản hương ước, chúng tôi đều ghi đúng theo văn bản củ. Mong các đồng chí ở địa phương soát lại và đối chiếu với hiện nay, xem các địa danh đã được thay đổi thế nào, và ngày nay là ứng với làng, xã, huyện nào.
(5):Tôi đã có dịp giới thiệu ngôi đền này trong tập địa chỉ Kê hội (xã Xuân hội, huyện Nghi Xuân, Hà tĩnh). Mấy chữ “Ông nội, ông ngoại” là để chỉ vào tiên tổ của bảng dòng họ chính ở làng này, cả họ nội và họ ngoại. Thần phả trong đền có ghi một danh mục là “nội ngọai tiên hiền chư tiên sinh” trong đó có ghi tên các bà dạy ngành nghề cho dân làng… Xin xem thêm sách: Lượt khảo thần tổ các ngành nghề của Vũ Ngọc Khánh (NXN Khoa học xã hội, Hà Nội 1991).

--------------------------------------------------------------------------

0 Comments:

Post a Comment

<< Home