Thursday, November 24, 2005

Dan cu Quang ngai

Kính Anh Vũ,Công ước Berne được Việt Nam ta ký tham gia rồi. Khi "trích dịch, đăng lại" lẽ ra phải có sự đồng ý của tác giả nhưng vì cái phone của anh tắt hòai nên tui gọi xin phép không được nên tui xin phép gửi "đại". Anh cho phép nghen.-
( Trần Trọng Uyên -phominhtu. Quảng ngãi )
-----------
QUẢNG NGÃI, SỰ HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VIỆT
NGUYỄN ĐĂNG VŨ
Tạp Chí Người Làm Báo Quảng Ngãi, Số Mừng Xuân Nhâm Ngọ (2002)

Sau nhiều lần Chiêm Thành đem quân đánh phá và quấy nhiễu vùng biên cương Đại Việt đặc biệt dưới thời Chế Bồng Nga, chỉ mấy năm sau ngày lên thay thế nhà Trần, vào tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1402), dưới chỉ dụ của Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua nhà Hồ thời bấy giờ là Hồ Hán Thương cùng các tướng lĩnh Đỗ Mãn, Nguyễn Vị, Nguyễn Bằng Cử, Đinh Đại Trung đem đại quân chinh phạt Chiêm Thành. Đỗ Mãn được cử làm đô tướng. Điện nội gián phủ Nguyễn Vị làm chiêu dụ sứ.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: Khi đại quân đền gần cõi nước Chiêm, tướng Đinh Đại Trung cỡi ngựa đi trước các quân, gặp tướng giặc là Chế A Nan, hai bên đánh nhau, tướng Chiêm tử trận, binh lính Chiêm tan tác. Vua Chiêm là Ba Đích Lại quá hoảng sợ mới sai cậu là Bố Điền dâng cho nhà Hồ: một con voi trắng, một con voi đen và các loại phương vật cùng đất Chiêm Động (tương đương phần đất Quảng Nam ngày nay), để cầu hòa hảo. Nhưng họ Hồ vẫn chưa thôi sự tức giận bắt phải dâng cả phần đất Cổ Lũy (tương đương phần đất Quảng Ngãi hiện nay), mới thôi không tiến quân nữa. Trước khi lui quân, nhà Hồ chia đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Nhà Hồ đặt “an phủ sứ” và “phó sứ” lộ Thăng Hoa để cai trị; miền đất đầu nguồn đặt trấn Tân Ninh. Chiêm Thành thu lấy những dân cận tiệm đem về nước, còn người ở lại thì bổ làm quân" (1).
Họ Hồ còn bổ dụng Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa (bao gồm cả 4 châu Thăng, Hoa,Tư, Nghĩa) và cho Hiệu chính hầu là Chế Ma Nô Đồ (Đà) Nan (sách Cương mục ghi là Chế Ma NÔ Đã Nan, là con trai của Chế Bồng Nga) làm Cổ Lũy huyện thượng hầu trấn giữ hai châu Tư, Nghĩa, với mục đích để chiêu vỗ dân chúng người Chiêm (Chế Ma NÔ Đồ Nan chạy sang nước ta cư trú vào triều Trần).

Như vậy kể từ tháng 7 năm 1402, đất Cổ Lũy động đã bắt đầu có tên gọi như một đơn vị hành chính của Đại Việt (mà thời Hồ nước ta có tên gọi là ĐạiNgu).

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, phần chính biên, quyển 12, còn ghi chép thêm rằng: Sau lần Chiêm Thành dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy động, thì người Chiêm bỏ đất mà đi nên vào mùa xuân Quý Mùi năm Khai Đại thứ nhất (1403), Hồ Hán Thương mới lấy dân có của nhưng không có ruộng ở các lộ khác di cư vào vùng đất này. Người đến trước, kẻ đến sau, kể cả những người còn sót lại (có lẽ là người Chăm được bổ làm quân như lời trích trong Đại Việt sử ký toàn thư ở trên - ĐV) , tất cả đều được biên tên vào quân ngũ, nhưng phải chịu thích chữ "châu” hiện ở, như châu Tư, châu Nghĩa vào cánh tay.
Và đến năm 1404 nhà Hồ lại cho vợ con những người di cư trước theo đường biển mà vào để cùng sinh cơ lập nghiệp. Nhưng cuộc di dân này không gặp được may mắn lắm, vì gió bão đã cuốn theo khá nhiều người xấu số (2). Đây là cuộc di dân đầu tiên của người Việt vào vùng Nam Ngãi trong lịch sử.Như vậy kể từ cuộc Nam chinh đầu tiên dưới thời Lê Đại Hành (năm 932), trải qua các triều đại Lý, Trần, đã có hàng chục lần các vua Đại Việt, hoặc các tướng lĩnh cùng nhiều đại binh tiến vào lãnh thổ Chăm pa trừng phạt vì sự xâm lăng bờ cõi cũng như sự quấy phá biên cương Đại Việt của nhiều vị vua Chiêm Thành trước đó, nhưng dường như chỉ đến thời Hồ mới thật sự có người Việt định cư một cách công khai trên vùng đất Nam Ngãi, bởi cuộc chuyển dịch cư dân này là cuộc di dân có quy mô, có tổ chức và đặt dưới sự bảo trợ của triều đình Đại Việt, còn trước đó, có lẽ không phải không có người Việt sinh sống ở vùng Chiêm Động, Cổ Lũy động lẫn ở kinh thành Trà Bàn.

Lịch sử đã cho biết ít nhất là, vào thời Chế Bồng Nga, vị vua tài năng nhưng cũng rất hiếu chiến này, trong suốt hơn 35 năm làm vua, đã nhiều lần đột kích đất Hóa Châu cướp của, bắt người, rồi có lần lại tiến thẳng ra kinh thành Thăng Long, chiếm cứ kinh thành trong suốt 6 tháng, khi rút quân lại bắt cả đàn bà, con gái người Việt đem về làm nô lệ và tì thiếp.

Nhưng nhà Hồ cũng không duy trì được triều đại của mình được bao lâu. Chiêm Thành lại giành lại đất Chiêm Động và Chiêm Lũy khi nhà Minh xâm lược nước ta vào năm 1407. Quân Chiêm lại tranh thủ tìnhhình nước ta đang bị khủng hoảng bởi sự thống trị của nhà Minh nên lại âm mưu chiếm cứ đất đai, bắt người, cướp của ở vùng biên giới.

Như vậy, theo nhiều tư liệu lịch sử thì thực tế là vào thời gian này người Chiêm đã chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy động. Tuy nhiên,theo Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu (và Bùi Quỹ) thì thời Minh sang xâm lược, ở bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa vẫn có một bộ phận người Việt còn ở lại, và có cả một số quan chức người Việt được nhà Minh bổ nhiệm để trông coi vùng đất này.

Tác giả Đại Việt địa dưtoàn biên ghi chép: " Năm thứ 12 (Vĩnh Lạc thứ 12, 1414 - ĐV), tháng 3, ngày Canh Tí, Giao Chỉ đặt 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa đều thuộc phủ Thăng Hoa ở phía nam Hoá Châu, cai quản các huyện Lệ Bình 11 huyện.

Chỗ này Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) lấy đất Chiêm Thành cho Nguyễn Súy, Hổ Cụ, Đặng Cảnh Nghi làm quan cai trị. Sau lũ Suý làm phản, Chiêm Thành lại sai người đến giữ. Đến bấy giờ, giặc làm phản đã bị bắt. Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ cùng Kiền quốc công Mộc Thạnh bèn đặt lại 4 châu ấy. Được lệnh vua cho 4 người đầu hàng là Nguyễn Nghiêu, Dương Mộng Tùng, Phạm Công Nghị, Nguyễn Kiệm làm tri châu, người cũ là Hồ Giao, Trương Nguyên Đức, Vũ Trinh, Phan Long làm đồng tri. Lại làm thư bảo cho vua Chiêm Thành biết cái cớ đặt lại 4 châu ấy" (3).

Cứ theo tư liệu này, có lẽ tác giả sách trên đã viết theo Minh sử, thì hẳn phải còn phải nghiên cứu thêm, bởi có khác ít nhiều với các sách lịch sử khác như sách Cương mục mà tôi đã trích dẫn ở trên. Ở đây tôi chỉ xin mạo muội được nêu ra để có dịp cho những ai quan tâm ít nhiều đến lịch sử vùng đất này cùng suy nghĩ.

Cuộc di dân thứ hai vào vùng Nam Ngãi gắn liền với cuộc thân chinh của vua Lê Thánh Tông trong hai năm 1470, 1471. Sau khi xuống chiếu kể tội Trà Toàn với nhiều tội danh như đã bắt đàn ông đàn bà người Việt làm nô lệ, nương theo nhà Minh mà cướp phá vùng Hoá Châu, làm nhục sứ thần của Đại Việt ... và bá cáo cho nhân dân trong nước được biết (4), vua Lê Thánh Tông cáo ở thể miếu rồi triệu tập các tướng lĩnh Lê Hy Cát, Hoàng Nhân Thiêm, Lê Thế, Trịnh Văn Sái, Nguyễn Đức Trung, Ngô Hồng ... cùng 26 vạn quân tinh nhuệ lên đường tiến vào phương nam. Đại binh của vua Lê đặt chân lên vùng cửa biển Thể Cần và Sa Kỳ, và phá tan quân Chiêm đang chiếm đóng ở đây vào tháng đầu tháng 2-1471 (5). Và cũng chỉ gần một tháng sau thì Trà Toàn bị bắt, thành Trà Bàn bị hạ.

Ngay sau khi hạ thành Trà Bàn vua Lê Thánh Tông lấy đất Đại Chiêm (nay là Quảng Nam) và Cổ Lũy (nay là Quảng Ngãi) cho người đầu hàng là Ba Thái làm Đại Chiêm đồng tri châu, Đa Thuỷ làm thiêm tri châu (...), lại sai Đỗ Tử Quy làm đồng Tri châu, coi việc quân dân Đại Chiêm ; Lê Ỷ Đà làm tri châu, coi việc quân dân Cổ Lũy" (3-1471).

Đến tháng 6 (1471 ), vua Lê đặt đạo thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa với gồm 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn, 9 huyện. Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục thì riêng phủ Tư Nghĩa có 3 huyện: Nghĩa Giang (12 tổng, 93 xã), Bình Sơn (5 tổng, 70 xã), Mộ Đức (6 tổng 53 xã (6). Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chơng loại chí còn ghi thêm rằng : "Từ đó lại quy vào bản đồ. Đất đã mở mang, phong thổ mỗi ngày một phồn thịnh, đồng ruộng rộng rãi, các thứ lúa xanh tốt.". (7)

Như vậy vào thời gian này quan Việt và quan Chiêm đồng cai trị xứ thừa tuyên Quảng Nam. Theo con sổ ước tính của Li Tana trong xứ Đàng Trong thì quân lính của vua Lê còn ở lại tại 3 phủ, tức vùng đất từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay, có thể chỉ khoảng chừng 5.000 người. (8) Và năm 1471 đã có những cuộc di dân lẻ tẻ của người Việt ở phía bắc vào vùng đất mới, trong đó số đông là vợ con, họ tộc của các binh lính.

Theo Luật hình chí, đến năm Hồng Đức thứ 5 (1474), một số lưu dân “đặc biệt" cũng được đưa đến đây, đó là những người bị tội lưu đày. Bị lưu cận châu thì đưa vào Thăng Hoa, lưu ngoại châu thì đưa vào Tư Nghĩa, lưu viễn châu thì được chuyển vào Hoài Nhơn (9).

Như vậy, chắc chắn là vào thời kỳ này người Việt và người Chiêm từng sinh sống cộng cư với nhau.Cuộc di dân này được giới sử học xem là quan trọng nhất, vì đó là cuộc di dân vĩnh viễn, bền vững, bởi lẽ người Việt đến định cư ở đâykhông còn lo quân Chiêm đánh phá, cướp bóc như ở vùng Thuận Hóa trước đây, còn người Chiêm ở lại thì phần nào cũng đã an phận Sở dĩ có sự an phận đó là vì, một mặt họ đã có những vị quan người Chiêm che chở, mặt khác vì chính sách của nhà Lê thật sự tạo cơ hội cho họ cùng sống chung với người mới đến, và họ cũng thấy rằng họ còn cần phải canh tác trên những cánh đồng ít nhiều cũng rộng rãi, trù phú hơn vùng đất phía nam vốn khô khan và đầy gió cát như Phan Rang, Phan Rí.

Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong có lý khi cho rằng : "Trái với trước kia người Chiêm bỏ Chiêm Động, Cổ Lũy động mà đi khi dân ta đến. Lần này người Chiêm không đi, vì biết rằng đất đai phía nam không màu mỡ bằng Vijaya, và cũng không còn hy vọng báo phục nên chấp nhận lệ thuộc ta" (10).

Sau mốc lịch sử hết sức quan trọng này còn có những cuộc thiên di của người Việt về phương nam và Quảng Ngãi nói riêng. Có thể kể đến đầu tiên là cuộc di dân khá quy mô vào thời Bùi Tá Hán làm trấn thủ Quảng Nam.

Năm 1545, dưới ngọn cờ "phù Lê, diệt Mạc", Bùi Tá Hán được Nguyễn Kim cử làm Bắc quân đô đốc đem quân lấy lại vùng đất Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn, vốn bị nhà Mạc chiếm giữ từ năm 1527. Bình định xong, Bùi Tá Hán lại được cử luôn làm trấn thủ xứ này. Trong suốt gán 30 năm cầm quyền ở đây ( tức cho đến khi ông mất năm 1568, nay nhà thờ và mộ Bùi Tá Hán còn tại Quảng Phú, thị xã Quảng Ngãi), ông đã kêu gọi nhân dân, binh lính khẩn hoang, lập làng xóm, vườn tược; cho phép binh lính mang theo vợ con vào cư trú lâu dài; thu hút nhiều nông dân nghèo, thiếu ruộng đất từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào lập nghiệp.

Đấtđai được mở rộng, nông dân được giao quyền tư hữu ruộng đất, làng quê đã có tên gọi, đã có những người cùng dòng họ, huyết thống, cùng bản quán tụ cư quanh lũy tre xanh, và đình làng đã chính thức ra đời trên vùng đất mới (11).Một điểm chú ý khác cũng hết sức quan trọng là, khi Bùi Tá Hán làm trấn thủ Quảng Nam cũng là lúc Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ Thuận Hóa.

Lê Quý Đôn chép trong Phủ biên tạp lục: "Năm Mậu Ngọ (1558), Thể tổ Thái vương (Trịnh Kiểm - ĐV) sai Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đem quân bản dinh đi trấn thủ Thuận Hoá để đề phòng giặc phía đông cùng với trấn thủ Quảng Nam Trấn Quốc công (Bùi Tá Hán- ĐV) cứu giúp lẫn nhau việc địa phương không cứ lớn nhỏ, quân dân, thuế khóa đều giao cho cả (12).

Vào thời gian này, với chủ định xây dựng một vùng đất "vạn đại dung thân" như chúng ta đã biết, Nguyễn Hoàng đã quyết tâm lập cơ sở ở Đàng Trong. Chúa Tiên đã ra sức chiêu mộ các tầng lớp nhân dân vào phương nam tiếp tục dựng làng, lập ấp.

Họ Nguyễn cải cách các đơn vị hành chính, đổi tên các phủ huyện (phủ Tư Nghĩa được đổi thành phủ Quảng Nghĩa và tên Quảng Ngãi hay Quảng Ngãi chính thức ra đời từ năm 1602 (nhưng cũng có sách viết là năm 1604) (13), đã có những chính sách khuyến khích và nâng đỡ số dân di cư mới, như họ được miễn thuế đất trong vòng 3 năm (còn số hộ di cư cũ cũng chỉ đóng thuế đất hết sức sơ sài, thậm chí có người không đóng thuế mà chẳng bị hình phạt gì).

Theo một vài tư liệu thì, dường như trước năm 1669, tức lúc bắt đầu có chính sách đo đạc đất đai, chính sách khuyến khích , nâng đỡ dân di cư của họ Nguyễn không những chỉ làm hấp dẫn người nghèo ở các địa phương khác ở phương bắc mà còn thu hút cả tầng lớp giàu có ở các tỉnh Thanh Nghệ vào phương nam, bởi đó chính là cơ may để họ có thể trở thành điền chủ.

Và điều này cũng cắt nghĩa vì sao, Quảng Nham Hầu Trần Cẩm lại có thể chiêu mộ được hơn 2000 người từ vùng Thanh Nghệ vào huyện Mộ Hoa để khai khẩn đất đai khi ông được cử vào làm cai phủ tham tướng phủ Tư Nghĩa vào năm Quang Hưng thứ 20 (1597).

Và cũng theo gia phả của tộc họ Trần ở đây còn lưu lại, thì Trần Cẩm chính là đức thủy tổ lập nên làng Đại Thi (tức làng Thi Phổ, trước đây bao gồm cả một vùng, nay thuộc các xã Đức Tân, Đức Thạnh, Đức Chánh và thị trấn Thi Phổ hiện nay), và diện tích đất đai do Trần Cẩm tổ chức khai phá từ năm 1598 đến năm 1630 lên đến 3200 mẫu (Trung bộ).

Vào thời các chúa Nguyễn tiếp theo, công cuộc di cư của cư dân Việt ở vùng Thanh Nghệ vào vùng đất Quảng Ngãi nói riêng, xứ Đàng Trong nói chung như từng đợt sóng, có khi vì chính sách về kinh tế xã hội thoáng đạt mở cửa của chúa Nguyễn nhưng cũng có khi vì sựcỡng ép, điển hình như cuộc truy bắt quân Trịnh vào năm Mậu Tý (1648) tại Quảng Bình. Kết quả khá đặc biệt của cuộc giao tranh Trịnh - Nguyễn vào năm này là quân chúa Nguyễn đã bắt được 30 nghìn quân Trịnh đem về, rồi chia ra cứ 50 người làm thành một ấp dọc theo bờ biển từ Quảng Nam vào đến Bình Định, cho lập cửa nhà liền kế nhau, cấp cho lương ăn nửa năm (14). Rồi tiếp theo, vào những năm từ 1653 đến 1657, là khoảng thời gian Trịnh - Nguyễn phân tranh ác liệt, quân Nguyễn đã chiếm được 7 huyện của xứ Nghệ An, khi rút quân về chúa Nguyễn đã cho bắt dân trong cả 7 huyện đó đem về an ấp ở vùng Thăng Hoa, Tư Nghĩa (15). Ngoài ra, cũng có khi do những nạn đói trầm trọng ở phương bắc mà lịch sử đã ghi chép về các nạn đói vì bị mất mùa vào các năm 1561, 1570, 1571, 1572, 1589, 1592, 1594, 1595, 1596, 1597, 1608... (theo thống kê của Li Tana là có đến 14 năm mất mùa trầm trọng trong vòng 49 năm) đã làm biến động đến làn sóng di cư vào phương nam, mà theo các nhà nghiên cứu chính các nạn đói đó đã tạo ra một cuộc di dân vĩ đại của người Việt vào phương nam diễn ra vào cuối thế kỷ XVI; hay các nạn đói, mất mùa, dịch bệnh, lũ lụt lớn liên tiếp ở các tỉnh phía bắc vào các thập niên 30, 40 của thể kỷ XVIII, đặc biệt vùng Thanh Hoá, Nghệ An đã góp phần làm nên một cuộc di dân lớn nữa vào khoảng thời gian này. Và một lý do nữa để thu hút người Việt ở vùng Thanh Nghệ di cư vào phương nam còn do vùng đất mới là vùng đất yên bình, ít chịu ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh hết sức đẫm máu, như cuộc chiến tranh Lê-Mạc suốt hơn 60 năm (từ 1530) với hàng chục vạn người lao vào cảnh chém giết lẫn nhau màcòn tàn phá mùa màng, gây nên hàng loạt trận đói, và cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn suốt 45 năm (từ 1627) với 7 lần giao tranh ác liệt mà không kết quả, quân sĩ hao tổn, chán nản, nhân dân khốn khó trăm bề (16).Tư liệu điền dã của chúng tôi sau đây cho thấy phần nào chính sách cai quản nguồn cư dân đã khá đông đúc và cũng như thực tế khai khẩn vùng đất Quảng Ngãi dưới thời Tộ Quốc công (Nguyễn Phúc Chu).


Đây là bản sắc thần ban cho ông Trần Công Vinh còn lưu giữ tại nhà thờ họ Trần thuộc làng Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức mà chúng tôi đã nhờ cụ Hanh phủ Nguyễn Đình Thảng đã phiênâm và dịch nghĩa:

" Thị Quảng Ngãi phủ, Mộ Hoa huyện, Hoa Bân xã, Cai Quỳnh, Thọ Long Hầu, Trần Công Vinh, năng ứng vụ nhật cữu hữu công, ưng vi Phó đề lãnh, củ suất bản phủ chánh hộ, các huyện, tổng, xã, thôn, phường, cập Hoa châu Thương nhân, sơn điền tân hội tuyến đẳng thuộc; trục hạng dân binh thuộc Quảng Nam doanh. Tòng chánh doanh ứng vụ thảo tặc. Nhược đậu lưu khuông khiếp đãi mạn bất cần, sinh sự nhiễu dân, hữu quân hiển tại. Tư thị. "Chính Hòa thập nhị niên, nhuận bát nguyệt, thập thất nhật.TH! - Tỉ Thái bảo Tộ Quận công

Dịch nghĩa:" Báo cho ông Cai Quỳnh, tước Thọ Long Hầu, Trần Công Vinh, người xã Hoa Bân huyện Mộ Hoa biết : ông là người có năng lực, đáp ứng được nhiệm vụ trong thời gian lâu, có công lao, nên nay giao cho ông giữ chức Phó đề lãnh để trông coi,dẫn dắt dân chính hộ trong các huyện, tổng, xã, thôn, phường thuộc bản phủ và Thương nhân người Tàu, cùng núi đồi, ruộng đất vừa mới phụ thuộc, kiểm tra theo dõi các hạng binh dân thuộc doanh Quảng Nam. Dưới sự lãnh đạo của chánh doanh sẵn sàng ứng phó với nhiệm vụ đánh giặc. Nếu nhút nhát, sợ sệt hoặc trễ nải không chăm hay sinh sự quấy nhiễu dân chúng tật sẽ bi kỷ luật như đã ghi trong quân hiến. Nay cáo thị”Ngày 17 tháng 8 nhuận năm Chính Hòa thứ 12 (1693)(có đóng dấu THỊ -Tỉ của Thái bảo Tộ Quận công)

Ngoài tư liệu vừa nêu trên, còn có các tư liệu về các vị tiền khai canh làng Văn Bân là Trần Văn Huy và Trần Văn Đức về ông Trần Công Hoa - em ruột ông Trần Công Vinh và các ông thuộc dòng dõi họ Trần ở đây về sau này như Trần Công Oanh, Trần Văn Trà v.v... cũng cho thấy, qua 9 đời chúa Nguyễn, phủ Quảng Nghĩa đã ổn định hệ thống hành chính ở địa phương từ phủ đến huyện, xã, phường, thôn, ấp; dân cư, đất đai đều đã được ghi vào sổ bộ của địa phương;
thu hút cả người Hoa đến buôn bán, sinh sống, và để chính họ - người Hoa – đã bắt đầu tạo lập ra đô thị Thu Xà cách không xa thành Bàn Cờ - Cổ Lũy của người Chàm trước đây, ngay từ cuối thế kỷ XVII, và đô thị này đã phát triển khá phồn thịnh vào thế kỷ XIX.

Trở lên là mấy nét về những cuộc thiên di chính của người Việt đến vùng đất Quảng Ngãi, bởi sau thời các chúa Nguyễn còn có những cuộc di dân lẻ tẻ đến vùng đất này, như thời Tây Sơn với cuộc chuyển dân từ Bình Định ra Quảng Ngãi, thời nhà Nguyễn và sau nhà Nguyễn với những cuộc di cư của một số bộ phận cư dân từ các tỉnh miền Bắc lẫn vùng Thuận Hóa vào Quảng Ngãi lập nghiệp ...Như vậy xét về nguồn gốc dân cư Việt ở Quảng Ngãi, có thể tạm thời nêu ra, cộng đồng người Việt ở Quầng Ngãi được hình thành bởi các nguồn chính:


1/ Binh lính ở lại khai hoang, lập nghiệp lẫn binh lính bi đưa về an ấp.

2/ Nông dân các vùng Thanh - Nghệ- Tĩnh đi tìm cơ hội sinh nhai mới lẫn những nông dân (và một số thành phần làm nghề nghiệp khác) bị ép buộc phải di cư.

3/ Những quan chức dưới các triều đại chiêu mộ dân chúng đủ các thành phần và đưa theo vợ con, dòng tộc.

4/ Những người có của mà không ruộng đất.

5/ Những người bị xử tội lưu ngoài chầu.

6/ Một bộ phận người Chàm đã được Việt hóa (17).
---------------
Nhân nói về sự hình thành cộng đồng cư dân Việt ở Quảng Ngãi, tôi xin được lập bản kê các dữ liệu mà tôi biết đừợc chút ít sau đây để quý bạn đọc có thể thấy phần nào sự phát triển dân số ở Quảng Ngãi (bao gồm cả các dân tộc cùng sinh sống ở Quảng Ngãi) qua các thời kỳ từ năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753) về sau (bởi về trước năm này tôi chưa tìm ra tài liệu nào ghi chép):

Năm Số người Nguồn tư liệu

1753 28,677 Phủ Biên Tạp Lục
(A)1769 18,072 (số đinh) Phủ Biên Tạp Lục
(B)Đời Gia Long 15,400 (số đinh) Đại Nam Nhất Thống Chí
(C)Cuối thế kỷ 16 23,524 (số đinh) Đại Nam Nhất Thống Chí
(D)1906 Khoảng 300,000 An Nam 1906
(E)1921 423,000 Quảng Ngãi Tỉnh Chí
(F)1933 438,059 Quảng Ngãi Tỉnh Chí
(G)1938 447,994 Dư địa chí Quảng Ngãi
(H)1960 721,487 Non nước Xứ Quảng
(I)1970 639,754 Non nước Xứ Quảng
(K)1975 758,800 Quảng Ngãi đất nước con người văn hoá
(L) 1989 1,041,900 Quảng Ngãi 10 năm đổi mới
(M)1999 1,189,900 Quảng Ngãi 10 năm đổi mới

(N) Các dữ liệu nêu trên cho biết nhiều thông tin khá thú vị về sự biến động dân số trong tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1753 đến nay, nhưng vì phạm vi vấn đề đặt ra ban đầu và bài viết cũng đã quá dài nên chúng tôichưa có dịp được bàn đến .
Hy vọng là sẽ có dịp bàn riêng về vấn đề này. Trên đây là một chút góp nhặt trên đường tìm hiểu lịch sử tỉnh nhà của một người làm báo hậu sinh lại vốn không chuyên về lịch sử, nhưng vì tấm lòng hướng về nguồn cội nên cố gắng ghi chép lại đôi điều.

Mong nhận được sự tận tâm chỉ bảo.

Chú thích trong bài viết:(1) Ngô Sĩ Liên và các tác giả, Đại Việt sử ký toán thư (gọi tắt là Toàn thư), tập II, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1971 tr. 233.(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khăm đinh Việt sử thông giám cương mục (gọi tắt là cương mục), t.1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.175(3) Nguyễn Văn Siêu (và Bùi Quỹ), Đại Việt đia dư toàn biên, Viện Sử học và Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr.71 .(4) Xem Toàn thư t.III, Nxb KHXH, H.1968, các trang 229, 230, 231, 232.(5) Xem thêm Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh, Nxb Văn hóa, H.1998. Học giả Đào Duy Anh căn cứ vào phấn chú của Cương mục ghi là 1472 (còn phần Cương và Mục của Cương mục ghi là 1471).(6) Lê Quý Đôn , Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1 : Phủ biên tạp lục, NxbKHXH, H.1977, tr.43 (7) Phan Huy Chú, Lich triều hiến chương loại chí, Nxb Sử học, H.1960,tr.136.(8) Xem Li Tana, Xứ Đăng Trong, Nxb Trẻ̃ TP.HCM.1999,tr 31.(9) phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Khai Trí, Sài Gòn,1970, tr.109.(10) Phan Khoang, sđd, tr.11(11) Theo Nguyễn Văn Mạnh, Văn hóa làng và làng văn hóa ở Quảng Ngãi, Nxb Thuận Hoá. Huế, 1999, tr.100.(12) Lê Quý Đôn, sđd, tr.47.(13) Xem Phan Khoang, sđd, tr.161.Ử141 Nguyễn Bá Trác và các tác giả, Quảng Ngãi Tỉnh chí, Nam phong tạp chí, 1933, bản đánh máy lưu tại thư viện Quảng Ngãi, tr.31 (15) theo Huỳnh Lứa, tạp chí Nghiên cữu lịch sử, số 3, 5-6/1998.(16) Trương Hữu Oanh, :Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh, Lịch sử Việt Nam tập 1, Nxb Giáo dục, H.1997.tr.43.(17) Xem thẽm Bùi Định, Tìm hiểu các phong trào yêa nước chống Pháp của nhân dân tlnh Quảng Ngãi, BNC Lịch sử Đảng và Sở VHTT Nghĩa Bình,1985, tr.14; Phạm Trung Việt, Khuôn mặt Quảng Ngãi, Nam Quang, S.1 973. tr.13,14.Chú thích nguồn tư liêu ở bản kê:(A): Phủ Biên Tạp Lục, sđd, tr.199;(B): Phủ Biên Tạp Lục, sđd, tr. 180; (C), (D) : Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí. Tập II Nxb KHXH, H.1970, tr.358; (E): L’Annam en 1906, tài liệu do Nguyễn Quốc Mãi dịch lưu tại Thư viện tỉnh Quảng Ngãi, tr.119; (F),(G): Quảng Ngãi tỉnh chí, sđd, tr.63 ; (H): Nguyễn Đoá và Nguyễn Đạt Nhơn, Địa dư chí Quảng Ngãi, lmprimere Marador Vien-de Huế, Huế,1939, tr.9; (I), (K): Phạm Trung Việt Non nước xứ Quảng, Khai Trí, S. 1971, tr.46(L): Hồng Nhân và các tác giả, Quảng Ngãi - đất nước – con người - văn hóa, Sở VHTT Quảng Ngãi, 1997. tr.43; (M), (N): Tỉnh Ủy Quảng Ngãi, Quảng Ngãi 10 năm đổi mới, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xuất bản, 2000, tr. 14.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home