Friday, November 25, 2005

Hương Ước ( Quýt Lâm )

Dạ xin lỗi ông "thầy chú" anmota. Chẻng biết làm sou mà tiểu tăng không reply được tiếp trong cái mục Hương ứơc Quảng Ngãi nên tiểu tăng đành mở cái đề tài mới vậy.
-------------------------------

HƯƠNG ƯỚC LÀNG QUÝT LÂM, PHỦ MỘ ĐỨC
Ngày 3 tháng 9 năm Bảo Đại thứ 12
(ngày 6 tháng 10 măm 1937)
Chúng tôi là viên kỳ, lý hương và sĩ thứ, binh đinh làng Quýt Lâm, tổng Ca Đức, phủ Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Kính trình về việc tuân lập hương ước

Nhơn vưng sức về khoản chỉnh đốn hương thôn đại hào mục hội, trong có một tiết rằng, mỗi làng phải chiếu theo trình độ hiện thời mà châm chước những tục xưa lưu truyền lại và chiếu y theo các điều mục trong mỗi tiết, làm thành bản hương ước để trình quan trên xét sức tuân làm.

Chúng tôi tuân xét tục xưa trong làng, tuy không có giấy tờ gì đề lại, nhưng cũng có đôi điều khẩu truyền, chiếu với trình độ hiện thời bây giờ, có điều không tiện làm theo như trước được, vậy xin chiếu theo tiết mục, sắp đặt như sau, mong ơn quan trên thẩm đoán, sức xuống cho làng chúng tôi xin làm, để làm cái hương ước trong làng đời kia sang đời nọ, đặng noi theo đó mà làm.

Nay kính trình.
KÊ :
TIẾT THỨ 1: TOẠ THỨ
Khoản thứ 1:
Sở đình hay nhà hội trong làng, nơi căn giữa, thì chức sắc ngồi từng trước, mấy người kỳ lão có danh vọng ngồi từng sau, chức sắc nhượng theo chức hàm, kỳ lão nhượng theo niên xỉ, thủ thứ mà ngồi; còn hai căn tả, hữu thì đều chiếu y theo thứ tự bản hương ẩm danh sách mà ngồi, còn những người đầu ngụ thì toạ thứ và khoản đãi cũng chiếu theo người chánh xã, nhưng chủ trước khách sau đối theo chức phận mà ngồi, chí như mấy người can án phạt giam (hoặc phạt bạc) từ năm tháng trở lên mà thuộc về tư tội thì phải ngồi riêng.

TIẾT THỨ 2: TẾ TỰ
(CÁC LỄ TẾ TỰ ĐỀU TRÍCH BẠC HƯƠNG DỤNG

Khoản thứ 2: Lễ Nguyên đán (tại đình thì cúng trầm, trà, hoa, quả.và bánh, lựa một người kỳ cựu đứng cúng, lễ ấy chi bạc một đồng (1$00), tại nghĩa từ thì dùng gà và xôi, cháo, lựa một người hương chức đứng cúng, lễ ấy chi bạc một đồng năm giác (1$50).
Khoản thứ 3: Lễ tế xuân thủ.

Mỗi năm đến sớm mai ngày 15 tháng giêng, thì tế xuân thủ tại đình, thường dùng một con heo đồ và phẩm vật, lựa một người kỳ cựu đứng vai cứng, lễ ấy chi bạc năm đồng năm giác (5$50).

Khoản thứ 4: Cúng hành khiến và tế Na.
Mỗi năm đến ngày 15 tháng giêng thì dùng một con heo đồ va cờ trống bài trí tại ngoài hè trước đình, lựa một người hương chức hoặc lý trưởng đứng cúng (có đọc chúc văn), lễ ấy chi bạc năm đồng năm giác (5$50)

Khoản thứ 5: Lệ cúng Thượng điền, Hạ điền.

Thường năm hể đến ngày 15 (buổi chiều) tháng ba, thì tế Thượng điền một lần, thường dùng một con heo đồ và phẩm vật, bày dọn tại căn giữa nhà tả bên sở đình, lựa một người kỳ cựu đứng vái cúng: lại đến ngày 15 tháng 10 là kỳ tế Hạ điền thì giao cho mấy người chuyên yển sắm cúng, trong hai lễ ấy thì lễ Thượng điền chi bạc chín đồng (9$00), lễ Hạ điền chi bạc một đồng (1$00).

Khoản thứ 6: Tế xuân (tức là lễ tế kỳ vân).

Thường năm hễ đến ngày 16 tháng 3 thì tế một tiệc, tiệc tế ấy chi bạc hai chục đồng (20$00) có chương trình kê sau:
A) Lựa người dự tế:
Lựa viên tiên chỉ đứng chánh bái, như viên ấy có duyên cớ, thì lựa viên thứ chỉ, nếu viên thứ chỉ ấy cũng có duyên cớ thì lựa một người kỳ cựu có hiền đức, đứng cúng thế cũng được, lại lựa hai người kỳ cựu đứng bồi bái, hai người lý hương đương chức đứng cúng hai bên phân hiến, vàlựa hai người chấp sự (một người đánh trống, một người đánh chuông, với năm người thị lập, rồi niêm yết tại đình, đến kỳ hầu tế.

B) Bài trí sanh phẩm:

Đến kỳ tế thì người tư nghi phải chiếu theo quy tắc mà bài trí sanh phẩm như sau đây:

Tại chánh tẩm: đặt một bò, hoặc một heo toàn sanh, một miếng tộ phương chánh, một cổ xôi, một bàn trầu, cau, rượu và quà phẩm.
Tại tả ban, hữu ban: đặt một đầu heo nơi án tả ban, và một nọng heo nơi án hữu ban. Án nào cũng có kỉnh lòng tộ và xôi cùng quà phẩm.

Tại tiền hiền, hậu hiền, tiến bối, hậu bối, án nào cũng đều đặt lòng tộ và dọn một mâm.

C) Chánh tế:

Trước một ngày tức là ngày 15, giờ mùi, hội tề các hạng viên nhơn tại đình, hương đèn, cờ trống, nhạc, đồ thờ,trần thiết nghiêm chỉnh, đặng rước sắc thần về để tại chánh tẩm giữa đình, qua sớm ngày 16 chiếu theo nghi tiết cúng tế, tế xong rước sắc thần về nhà thủ sắc.

D) Kính biếu và khoản đãi:

Tế xong thì trước kỉnh người đại bái một cái đầu heo, một miếng tộ phương chánh và lòng tộ (hai sườn rưởi), quả phẩm kỉnh hai người bồi bái, mỗi người nữa cái nọng heo và một miếng tộ (hai sườn rưỡi): kỉnh hai người đứng cúng phân hiến và hai người chấp sự và thủ sắc, tư lễ, tuyên chúc, mỗi người một miếng tộ (hai sườn) và lòng: còn tư nghi, xướng sanh, tự thừa nhạc trưởng, mỗi người một miếng tộ (hai sườn): thị lập, hành nghi, và ban nhạc, mỗi người một miếng biếu (một sườn rưỡi) và kỉnh quan thủ chỉ (Văn từ 4-1. võ từ 3-1 trở lên) một cái đầu heo, nếu trong làng nhiều quan cùng chỉ kỉnh một quan thủ chỉ mà thôi, nhưng mà quan thủ chỉ ấy ở ngụ hạt khác xa cách thì cũng giảm phần cẩn, để khỏi bắt dân đi xa xuôi thêm phiền.

Còn trong viên kỳ, đương thứ lý hương ngừoi nào có duyên cớ khiếm diện không đến hầu tế được thì biếu một đĩa chả nem và một đĩa thịt rối, để trọng sự thể, nhưng mà có phân biệt như chức sắc vả kỳ lão có danh vọng mà khiếm diện thì biếu đủ hai dĩa, kỳ giả chỉ biếu một dĩa thịt rối mà thôi.

Chí như việc dọn đãi thì nhất luật đồng nhau, sẽ chiếu theo tọa thứ, cứ thứ khoản đãi, người nào về nhà không tới thì không cần mời nữa, người nào kỉnh khiếm diện rồi mà còm tới thì không cần đãi nữa, khoản đãi xong cả rồi còn dư thịt bao nhiêu thì giao cho đương thứ hương ly liệu định để đền chút công lao.

Khoản thứ 7: Tế nghĩa từ.

Thường năm hễ đến tháng tư hoặc tháng năm thì tế một lần. Trước khi tế một ngày thì chức dịch trong sáu ấp phải án theo địa phận xóm mình mà thân dẫn mỗi ấp 15 tên dân trở lên đi dẫy mã nghĩa lũng, cốt cho khỏi bỏ sót, đến ngày tế (là ngày tốt chớ không nhất định) dùng một con heo đồ và phẩm vật đặt trên đàng nghĩa từ, lựa một người kỳ cửu hoặc lý trưởng hoặc hương chức đứng lạy, lễ tế chi bạc mười đồng (10$00). Khi tế có văn, có cờ, có nhạc nghiêm chỉnh.

Khoản thứ 8: Lễ kỵ tiền hậu hiền.

Thường năm đến ngày 16 tháng 9 thì kỵ giỗ một lần, dùng một con heo đồ và phẩm vật đặt tại hai án tiền hậu hiền (Lê, Huỳnh, Nguyễn, Phạm, tứ phái) trong đình, lựa kỳ cựu hào lý trưởng hoặc hương chức một người đứng vái cúng, lễ cúng chi bạc mười đồng sắp xuống.

Khoản thứ 9: Lễ chạp tiền hậu hiền.

Thường năm đến ngày 24 tháng chạp, cúng chạp một lần, trước ngày ấy là ngày 23 hương dịch dẫn vài tên dân đi đến các mã tiền hậu hiền (tại ấp Vĩnh Yên chớ không biết thuộc về phái nào). Đến ngày 24 sắm một con heo đồ và phẩm vật đặt tại hai án tiền, hậu hiền nơi đình, lựa kỳ cửu hoặc lý trưởng, hoặc huơng chức một người đứng vái cúng, lễ ấy chi bạc mười đồng (10$00) sắp xuống.

Các khoản tế đã nói ở trên, trừ khoản tế xuân, thì phần cẩn biếu đã có định rõ ràng rồi, còn các lễ tế khác thì chỉ kỉnh người đại bái một cái đầu heo, và mấy người dự sự thì mỗi người một lòng tộ heo hoặc một biếu.

Khoản thứ 10: Chùa thờ Phật

Trong làng có một sở chùa (sắc tứ Vạn phước tự) để thờ các vị Phật (hai vị Quan Thánh, một vị Châu Thương, một vị Sơ sanh, 2 vị Trấn Bắc, 2 vị Phật Bà, 2 vị Hộ pháp, 1 vị Quan Bình đều bằng đồng và 19 vị Phật đất), thường năm đến ngày tết, ngày lễ đoan dương, ngày rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, ngày vía Phật, ngày lên phướng và ngày hạ phướng, thì người thày chùa ấy liệu sắm đồ chay, và quà phẩm phụng cúng (vì làm ruông chùa, vườn chùa, thâu lấy ba lợi, nên phải chịu các lễ cúng ấy) có hương chức dự lễ, nếu người thầy chùa ấy bất lực, để chùa và vườn dơ nhớp và tượng Phật, ghế thờ, không được sạch sẽ, thì lựa người khác ở phụng sư.

Khoản thứ 11: Lệ kỵ quan Cố Tham tri Trịnh đại nhơn.

Thường năm đến ngày Nguyên đán và ngày kỵ của ngài thì viên, kỳ, hương, lý trong làng đều khăn đen áo dài đem lễ phẩm đến hầu bái yết, để trọng một vị quan lớn trong làng (lễ kỵ thì đi một cặp rượu lớn, lễ Nguyên đán thì một bàn trầu cau và một chai rượu lớn).

Các khoản tế trên đây những người dự sự ai mà thất lễ, thất nghi, thì phạt một bàn trầu, cau, rượu, còn dân có gian lấy vật tế hoặc đồ ăn, thì phạt dịch một ngày và cấm những người tàn tật phong bịnh, nhứt thiết không được đi tới ô uế truyền nhiễm, lây bịnh cho người khác, đã cấm mà không tuân thì giải trình.

TIẾT THỨ 3: KHÁNH ĐIẾU - KHAO VỌNG - HÔN LỄ
Khoản thứ 12: Khánh lễ

Phàm lễ mừng như là: sống lâu, sanh con trai, được thưởng phẩm hàm, thi đậu, cưới vợ và làm nhà mới, bà con suôi gia, bạn hữu tới mừng nhau thì tùy tình, còn như sự lễ tổ (thày thuốc, bói và các nghề thợ, thường vô cớ mà bày tiệc đãi khách, kêu là lễ tổ) thù nguyện (hát bội hoặc làm chay, hoặc tế quan thánh, táo quân, tiên nương, kêu là thù nguyện), đều là việc hiếu sự, thì chỉ số người trong nhà làm lấy với nhau cũng đủ là lễ, chớ cấm không được che rạp dọn tiệc đãi khách, ngày kia sang ngày nọ, phí bậy vô ích.

Khoản thứ 13: Điếu lễ

A/ Trong làng bất cầu là người chánh, ngưởi ngụ, hay nghèo với giàu, hễ có việc tang thì phải liền tường với hương bộ, trước vào bộ tử và sắm trầu cau, rượu làm lễ tới ấp sở tại cáo tang (cáo với làng cũ) hoặc phải cầu xin bao nhiêu dân (cũng có nhà đi mượn tư chớ không phiền đến xóm) thì chức việc trong xóm phải liền sức giáp dịch đi kêu hoặc điểm mục nhóm dân cho đủ số, y kỳ dẫn tới nhà tang trợ sự, sự chủ phải sắm cơm mắm khoản đãi, chớ nhứt thiết cấm không được đãi rượu: đưa chôn xong rồi, thì sự chủ lại mời anh em ấy trở về nhà mà trầu nước đáp lễ, nếu đường xa đi khó nhọc có dọn mời ăn nữa cũng được, nếu người quá cố chết vì bệnh truyền nhiễm thì cấm khoãn đãi, sự chủ tuỳ nhà mình để xét (trừ giàu, phát cho dân mỗi tên bạc bảy xu (0$70 hoặc […] kiểm cố.

B/ Còn bà con suôi gia đến ngày chôn có đem phẩm vật, tiền bạc đến phúng điếu nhau thì tuỳ tình sở hảo, chí như người làng xóm đối với người chết ấy là người danh sắc, phẩm vọng hoặc là người già cả (đàn ông, đàn bà cũng vậy) thì viên, kỳ, hương, lý phải liền nhóm nhau trích lấy số tiền hương dụng từ ba giác (0$30 đến một đồng năm giác (1$50), sắm đồ đến đi điếu và đưa đi đến huyệt, chôn cất xong sẽ về; như người chết ấy là hạng người tầm thường sắp xuống thì ủy cho bốn, năm người hương chức đi thế, (trước đi thăm sau đi điếu) hoặc giúp cho tiền bạc, việc xong đều không được sách lễ tạ; còn những người đi điếu, người nào ở xa có muốn ở lại đưa đám, thì sự chủ chỉ dọn bữa cơm thường mà thôi, chí như người trong làng (nói cả khách khứa và làng xóm) chỉ dùng trầu nước đáp lễ, chớ nhứt thiết không được dọn tiệc ra mà khoản đãi.

C/ Lại như cách thức đưa đám, thì chỉ ấp sở tại tùy theo bực người mà đưa, một cái kiểng hay là tiểu cổ, thứ nửa vài cặp cờ trắng là đủ, chớ làng và các ấp khác giảm đưa cờ trống như trước nữa: còn nhà tang gia thì dùng nhà phủ mộ, minh sinh đơn triệu, và công bố đưa đám, chớ cờ đỏ, âm nhạc, trống lớn, chuông lớn, phương tướng, minh khí các hạng đều đừng dùng nữa.

D/ Tuần giáp năm, tuần ba năm, các kỳ tuần ấy chỉ người trong nhà và bà con, suôi gia xúm xít lại làm lễ là được, chớ không nên bày tiệc khoản đãi, cũng không được lạm dụng cờ trống và âm nhạc.
Khoản thứ 14: Khao vọng
Lễ khao của làng, thì khoản thứ 4 đã nói rõ ràng rồi, chỉ lễ khao ở các phái họ và cúng quan sát, cúng đàn dưới, nhương sao, đảo hạn(g) thì bất đắc dĩ phải theo tục, cho mời một thày pháp, gà xôi vái cúng, còn như mời nhiều thầy pháp đánh trống gõ la, bày lập đàn trường ra, thì nhứt thiết nghiêm cấm, hễ người nào không tuân, giải cả người và tang vật trình quan nghĩ trị.

Khoản thứ 15: Hôn lễ

Phàm gã con lấy chồng, hoặc cưới vợ cho con chiếu theo Hoàng Việt Hộ Luật quyển thứ nhứt điều thứ 68 (từ lễ ước hôn đến khi cưới, như không có duyên cớ gì thì không được quá sáu tháng v.v..) và điều thứ 73 (con trai 18 tuổi tròn, con gái 15 tuổi tròn mới được cưới gả) mà tuân làm, cánày phổ tùy hai nhà trai gái chiếu theo sự thuận tiện điều đình với nhau, miễn là nhà gái không được yêu sách nhà trai. Còn đồ nữ trang nữ phục, tự ý nhà trai, nhà gái điều đình với nhau mà liệu sắm, nhưng nhà gái không được yêu sách: còn đồ hành trang như: xe ngựa, xiểng, cọ cũng tùy hai bên sở nguyện với nhau, lại tiền nát và tiền cheo thì đình bãi, nhưng mà cưới người làng khác thì phải theo cái tục riêng của làng sở tại người ta.

TIẾT THỨ 4: CẦM PHÒNG
(VIỆC ĐỘNG TỊNH, TRỘM CƯỚP, CANH GIỮ BA LỢI)
Khoản thứ 16: Động tịnh
A/ Trong làng mỗi ấp hoặc liên ấp, tùy theo địa thế, đều lập một sở chòi canh tại chỗ yếu lộ, mỗi đêm (trừ khi nào vâng sức canh ngày thì không kể) dân canh (phải chiếu theo nhơn số cường tráng chánh ngụ trong ấp, phân phiên bắt canh và biên tên họvới phiên canh đêm nào, phóng trừ luân giao cho nhận làm) phải có gậy, dây tới canh, hương kiểm và chánh phó xã đoàn, phải thường hay kiểm xét (trừ cựu hương chức trong ấp như hương dịch, thập đoàn, thủ bổn, dịch mục, kiểm cố ngoại) hễ gặp người dị hình, dị diện (không biết tên và chỗ ở) đi ngang qua thì dân canh phải liền triệt ở tại đó, rồi tức tốc tường với hương kiểm xã đoàn liền tới đó, gạn hỏi và xét người ấy, như có giấy căn cước, thông hành mà không có sự gì nghi ngại thì cho đi, nếu như có điều gì nghi ngại, hoặc không có bài chỉ, thì bọn hương kiểm, xã đoàn phải lập tức hiệp đồng với lý trưởng giải trình; còn dân canh không duyên cớ gì mà tự tiện bỏ canh; lần đầu thì đòi đến la rầy, lần thứ nhì thì phạt dịch một ngày, lần thứ ba thì trình quan trị tội, bọn hương kiểm xã đoàn, không hết chức trách, đáng tường báo mà không tường báo, thì hội đồng gia quan trình nghĩ.

B/ Các nhà tư trong làng, hễ có người nào ở khác tới ở lại nghỉ đêm, thì dẫn tới trình với lý hương cho biết, rồi bọn lý hương ấy hỏi xét cách thức đều y như trên (trong khỏan A) đã nói: nếu người chủ nhà nào thuận tiện để cho ở mà không tường báo thì phạt trầu, cau, rượu một bàn, lần thứ hai thì phạt ba giác (0$30) sung công.

C/ Hễ gặp việc quan việc làng khẩn yếu, như phong trào náo động, nghiêm sức canh tuần, hoặc phòng hoả tai, giúp việc tang v.v… thì mỗi ấp tối lại sức trùm đánh mõ ba hồi, trong ấp bất cầu chánh hay ngụ (trừ quan viên sẽ trình ngoại) đàn ông từ 16 tuổi đế 60 tuổi phải đến đông đủ (mỗi nhà một người cũng được) tại sở chòi canh, hoặc tại nhà hương chức trong ấp (nghe mõ đánh thì biết) rồi người chức việc trong ấp kêu tên kiểm diện (tục kêu điểm mục) để biết người nào hiện diện; còn người nào có duyên cớ gì không tới được thì biểu người tới cáo khiếm diện, truyền cáo xong rồi, thì đều tản về nhà, người nào không cáo mà tự tiện thiếu mặt, hương chức phạt một giác 0$10, dân phạt dịch nửa ngày.

Khoản thứ 17: Trộm cướp
A/ Người nào thình lình bị ăn trộm cướp la lối, người nhà gần bên phải tức thời đến tiếp, hương kiểm cũng phải liền tới đó dẫn dân theo bắt, và khám xét như bắt được bợm thì bắt cầu là đã lấy được của hay chưa đều phải hiệp đồng với lý hương giải cả người và tang vật trình xét, nếu không bắt được mà hiện có thiệt trạng cũng bất cầu là đã được của hay chưa đều phải đem sự trạng trình xét.

B/ Hễ nhà ai bị ăn trộm mất đồ vật gì, mà sự chủ vẫn biết đồ ấy hiện chứa tại nhà nào, thì phải chiếu theo tục cũ, lập tức tường với chức việc sở tại, thị thiền cho soát xét, như xét được quả tang, khinh thì phân xử, trọng thì giãi trình.

C/ Trong làng mấy tên phạm can án ăn trộm, ăn cướp đêm nào cũng phải đến chòi canh mà nằm, như quả có bịnh hoặc trở việc nhà, thì phải tường với hương kiễm, xã đoàn biết, nếu tự tiện ở nhà ngủ không tới chòi canh mà nằm, ban đầu phạt dịch một ngày, lẩn thứ hai giãi trình

Khoản thứ 18: Canh giữ ba lợi

1) Bán lúa rụng và phòng cái tệ vịt:

A/ Bất cầu mùa nào hễ gặt được nữa đồng thì làng xin phép quan đấu giá lạc túc, hễ ai đấu cao thì được mua đồng thả vịt nhưng viên, kỳ, lý, hương phải tới nhóm trước đông đủ, rồi tại tọa hội đồng định giá (tùy theo năm được mùa, mất mùa mà định, nhưng mùa tháng ba từ ba chục đồng (30$00) đến năm chục đồng (50$00), mùa tháng tám từ hai chục đồng (20$00) đến ba mươi lăm đồng (35$00), và định ngày thả vịt xuống đồng ( lúa gặt cho được 2 phần 3), rồi chủ vịt làm tờ kỳ hạn thả vịt (từ ngày thả vịt đến lúc ruộng đã bừa thì thôi) giao cho lý trưởng giữ, xong rồi đánh mõ rao cho điền hộ biết.

B/ Bạc mua đồng thì ngày định giá ấy phải nạp cho đủ, như lo chưa kịp thì phải trước ngày thả vịt một ngày nạp đủ mới được thả vịt vào đồng, nếu không tuân thì giao cho bọn khoán vây bắt, liền tường với lý hương trừng trị, nếu bọn khoán vị tình dung túng thì phat bạc một đồng (1$00) sung công.

C/ Ai mà không tuân kỳ hạn mà tự tiện thả vịt đạp phá ăn lúa thì giao cho bọn khoán vây cả bầy vịt lại, phải tường với lý hương xét quả tang chứng, trừ chiếu tang bồi thường ngoại, cứ vịt mỗi con phạt bạc năm xu (0$50) tuy số vịt nhiều cũng chỉ phạt ba đồng (3$00) mà thôi, vịt trả cho nguyên chủ, hể ngạnh thì trình nghĩ, số bạc phạt ấy một nửa sung vào công qũy, một nưã thưởng cho bọn khoán.

2) Khoán đồng
A/ Dịch mục sáu ấp (bất lực thì lựa người khác không được viện lẽ) thường năm lúa gần chín thì bọn khoán ấy phải thường hay tuần phòng đứa gian trộm, với, trâu, bò, heo, vịt cùng bọn làm nghề cá, hủy phá và đạp ăn hư hại, thâu hoạch xong rồi thì bọn khoán tới chủ ruộng, cứ mổi mẫu thâu hai ương, lúa công (trừ xứ Lỗ Tràm ngoại, hiện còn 500 mẫu, khi nào đạc điền trưng thâu thành bộ có quản thắng nhiều lắm, thì lúa công ấy sẽ tục đơn xin cải cách), thâu xong, lượng nạp bốn trăm ương (400). (bọn khoán ấy kiêm sung làm khoán cấm nên cho lượng nạp số bấy nhiêu, mùa nào mất mùa thì bọn khoán ấy tường với hội đồng chước giảm), sung làm hương dụng, còn bao nhiêu trả công cho bọn khoán, nếu bọn khoán ấy sở hành bất lực, để cho điền hộ cáo báo, thì bọn khoán ấy phải sung bồi, như bồi không đủ làng hay được thì trách phạt.

B/ Lâm thời bắt được gian phạm, phải tường với lý hương cùng tài chủ tới đó khám xét, quả là ăn trộm ban đêm, thì bất cầu tang số nhiều ít đều giải trình cả.
Còn như ăn cắp vặt ban ngày, thì tang vật giao cho chủ ruộng, đứa phạm ấy phạt bạc bốn giác ( 0$40), lần thứ hai gia bội, ngạnh hay tang số đến hai đồng (2$00) sắp lên thì cũng giải trình; còn trâu, bò, heo ăn phá trừ định giá sức bồi ( nếu không bắt được thì bọn khoán chịu bồi) ngoại, sức chủ chịu phạt trâu, bò, mỗi con phạt bạc một giác (0$10), trâu bò nghé phạt bạc năm xu (0$05), mỗi con heo phạt bạc năm giác (0$50), heo con phạt bạc hai giác (0$20).

Bạc phạt ấy như bọn khoán ấy bắt được thì cho bọn khoán ấy nhận dụng, tài chủ bắt được thì bạc phạt sung công, lúc nghĩ phạt, phải xét cho kỹ, như quả sức chủ dụng tâm thả ăn, mới chịu trách phạt, còn như tạm thời nhảy chuồn buôn ra và đực cái chạy bậy, tài chủ hiện theo bắt chưa được, với heo con chưa biết ăn rau thì chỉ bắt bồi thường ba lợi chớ khỏi phạt.
C/ Người điền hộ nào gặt lúa chưa rồi, hoặc đã rồi mà lúa rạ và đồ đạc đem về chưa kịp, thì nên tường giao cho bọn khoán nhận giữ, sáng ngày sau đến nhận gánh về, nếu thất soát thì bọn khoán sung bồi, còn điền hộ muốn tự giữ lấy cũng phải tường cho bọn khoán biết.

D/ Người điền hộ nào không chịu đong lúa khoán, thì bọn khoán phải tường với hương chức sức trả và trách phạt bạc ba giác (0$30) để sung công ngạnh thì trình nghĩ.

E/ Khi nào lúa đã cấy rồi, thì cấm không được thả lờ, thả trúm, đào hang, mò ốc, bắt cá trong ruộng, làm hư lúa, hễ người nào không tuân, làm cho điền hộ báo cáo thì trách phạt bạc hai giác (0$20) sức thâu đồ làm cá đem về.

3) Khoán rẫy

A/ Mỗi ấp hoặc liên vài ấp, thì đặt một tên tuần trưởng, ba tên tuần đinh (bất cầu chánh ngụ) người nào không có duyên cớ chính đáng mà ngạnh không chịu làm, thì trình quan nghĩ trị, làm khoán thấu đủ ba năm mới được thôi, châu hạn rồi mà nguyện làm lại cũng được.

B/ Tuần trưởng phải thường hay đi sức bật tuần đinh canh giữ ba lợi bốn mùa (và kiểm cố hàng rào từng khoảnh đất đừng cho súc vật ăn phá) về phần đất trong xóm (trừ vườn ở ra) mỗi năm thâu ba lợi rồi. Thì thâu một lần tiền công, cứ như đất tỉa được mười ương đậu (lúc nào sự đạc điền xong trưng thâu thành bộ thì tiền công ấy tục đơn xin cải chánh) hễ ba lợi hai mùa thâu tiền sáu quan, một mùa thâu tiền ba quan, cho bọn khoán ấy nhận dụng, nếu bất lực phải sung bồi, như bồi không sung, sau làng hay được thì trách phạt (còn người chủ đất nào không chịu trả đủ tiền lệ (có ở trên) thì trích tường với hương chức trong ấp sức trả và trách phạt ba giác (0$30) sung công, ngạnh thì trình nghĩ.

C/ Lâm thời bắt được gian phạm hoặc súc vật hủy phá và ăn ba lợi, thì sức trách phạt chiều theo đoạn (B) (Khoán đồng) trong khoản này thi hành, còn người nào tới chỗ trồng trọt mà hái ăn các thứ rau, và các thứ trái, xét quả nó bức vì nghèo đói, chớ không phải người gian thì khỏi phạt.

TIẾT THỨ 5: CÔNG ÍCH CÔNG LỢI
- Vệ sinh công cộng - Sửa sang cầu đường
- Công việc vệ nông - Cứu tai truất nạn
- Học hành giáo dục - Bảo vệ lâm cấm
- Ruộng đất của làng - Đặt thêm chức làng
- Chiêu tập hội đồng

Khoản thứ 19: Vệ sinh công cộng

Từ rày về sau bắt bọn tuần đinh, mỗi ấp sung làm lộ phu, phàm những việc gì có quan thiết đến sự vệ sinh, thì đều do bọn lộ phu chiếu theo chương trình sau đây kiểm cố, nếu hư ứng thì trách phạt.

A/ Phàm giếng uồng chung với nhau, cốt yếu phải cho được sạch sẽ, cấm không ai được giặt áo, quần và đàn bà con gái không được tắm rửa bên giếng, bất tuân thí phạt hai giác 0$20)

B/ Phàm trâu, bò bịnh chết thì tài chủ phải liền khiêng tới chỗ đất không, xa cách nơi xóm làng, tường với hương lý thị thần cho chôn, mà phải chôn cho sâu được hai thước tây, xa nhà ỡ và giếng. Người nào bất tuân lén làm thịt ăn, hoặc tự tiện chôn lấy, với chôn sơ sài để cho bộc lộ ra thì phạt bạc một đồng (1$00) sức chôn lại cho sâu. Còn như chó, heo, dê, gà, mèo, vịt bịnh chết cũng đều phải chôn cho sâu, xa nhà ở và giếng, nếu lén làm thịt ăn, hay là đem ném bỏ trên mặt đất, dưới nước, trong cấm, trong bụi thì phạt bạc hai giác (0$20) sức phải chôn lại cho sâu, nếu không bắt được nguyên chủ thì bọn lộ phu phải chôn, bạc phạt ấy sung thưởng cho bọn lộ phu, ngạnh thì dều trình nghĩ.

C/ Những người đi (trong làng) với gần hai bên đường, người nào lén bỏ đồ dơ uế (như cỏ, rác, gai góc, nồi trách bể, chén dĩa bể, chiếu manh, giẻ rách v.v…) và phóng uế mà lộ phu bắt đươc thì liền bắt người ấy dọn ngay, hoặc đốt đi, và cào quét cho sạch (như con nít thì bắt cha mẹ nó, hoặc anh nó làm thế) với phạt dịch một ngày, như con nít mà cha hay anh nó làm thế phạt, thì phạt nửa ngày, còn lộ phu bắt không được thì tự dọn làm lấy.

Khoản thứ 20: Sửa sang cầu đường

A/ Trong làng có một con đường tư ích, nam giáp làng Văn Hà, bắc giáp làng Đạm Thủy, dài hơm 1000 thước tây, lại có một con đường phía đông từ chán ba ấp Phú Lộc, phía tây bắc giáp làng Đôn Lương dài hơn 2000 thước tây, theo trước người xưa chiếu theo địa giới sáu ấp, trong làng án phần chia mỗi ấp một phần, thường năm trong lúc tháng sáu, hoặc tháng bảy lệ có vâng sức tu bổ một lần, ấp chức hiệp đồng với hương mục, sức bắt công dân tư ích lưu hương chiếu y cách thức (diện 3 thước tây) án phân mà đắp, còn như mấy chỗ nhỏ nhỏ, thì trùm xóm bắt dân vài tên tự đắp lấy, ấp nào khoán phế không chịu tu bổ, có xảy ra sự gì biệt ngại (quan trên quở phạt v.v..) thì ấp ấy phải chịu trách nhiệm đó.
B/ Trong làng mấy con đường đi tắt, hiện đều nhỏ hẹp, đi đứng còn ngại lắm, mỗi năm hễ đến tháng hai thì mỗi ấp bất cầu là chánh ngụ và dân nội tịch, ngoại tịch, bắt cả đi sửa đắp lại một lần, đều rộng cho được hai thước tây để đi đứng cho tiện.
C/ Lại có một đoạn đưởng mới đắp, phía đông từ chợ làng, phía tây giáp sông, dài 1000 thước tây, mỗi kỳ tu bổ, hương mục dẫn hết thảy dân tư ích đi đắp

D/ Mấy con đường đã nói trên đây, người nào lấn phá, hoặc đào mương trên mặt đưởng, thì phạt bạc năm giác (0$50) sức đắp lại như củ, ngạnh thì trình nghĩ (chủ ruộng cuốc đỡ tháo nước mà để vậy không đắp lại cũng phạt năm giác 0$50) muốn đem mương nước qua đường, phải làm cống đặt lù.
Người nào ở xa cách, hoặc thường đi buôn bán không đi đắp được, mà tự nguyện mỗi ngày đại nạp hai giác (0$20) cũng cho, nhưng cốt người ấy phải đăng biên nguyên nạp mấy ngày số bạc bao nhiêu ký áp minh bạch, chớ không được yếu sách, dịch mục ấp ấy thâu nhận số bạc đó, rồi thuê mướn người làm thế, chớ không được tiêu riêng đi.

Khoản thứ 21: Công việc vệ nông

1) Việc đắp đập:
A/ Mỗi năm ngày 19 tháng 9 cử một người yển trưởng, hai người chuyên yển (không cầu chánh ngụ) đốc sức về việc đập, một người giáp đập để sai sử, kỳ hạn đều ba năm, chiếu theo chương trình sau này mà làm.
B/ Trong làng có sáu cái đập và bờ cản, diện tích cái đập và đồng niên nhơn công vật liệu hai kỳ đắp (tháng 10 năm nay một kỳ, tháng tư năm sau một kỳ) phí tổn bao nhiêu có bản kê trù sau này:

Tên đập
Bề sâu
Bề dài
Diện
Bạc phí đồng niên
Tháng 10
Tháng 4

Ông Vệ
2,00 m
5,50 m
2,50 m
12$00
10$00
2$00

Đập Cái
1,50 m
12,70 m
1,50 m
12$00
8$00
4$00

Cửa Diến
1,50 m
10,20 m
2,00 m
13$00
10$00
3$00

Bờ Dài
1,00 m
11,00 m
1,00 m
7$00
5$00
2$00

Đập Mới
1,00 m
10,00 m
1,00 m
4$00
2$00
2$00

Bờ Be và bờ Bầu Âu

20,00 m

5$00
3$00
2$00

Số kê trên cộng bạc năm mươi ba đồng (53$00).

C/ Mỗi năm tháng mười bọn chuyên yển tựu tại nhà hội chiếu theo bộ đập, hiện ruộng chịu đập hai mùa là hai trăm tám mươi mẫu (280) thâu được bạc,một trăm mười hai đồng (112$00), mỗi mẫu thâu bốn giác (0$40), ruộng một mùa chín mươi mẫu (90 mẫu), thâu được bạc là mười tám đồng (18$00), mỗi mẫu hai giác (0$20),

Tổng cộng được bạc là một trăm ba mươi đồng (130$00), thâu rồi giao cho hương bổn trước chi thâu sách, trích ra mười hai đồng (12$00) biên vào sổ công để sắm phẩm vật cúng lễ Thượng điền và Hạ điền và trích ra năm mươi ba đồng (53$00) giao cho yển trưởng nhận giữ, để đồng niên hai lần mua vật liệu đắp các gian đập (phải chừa cống), còn lại bạc sáu mươi lăm đồng (65$00) giao cho mấy người coi yển đồng niên ăn uống và công mệt nhọc, nếu người điền hộ nào quá kỳ hạn trong 20 ngày mà chưa nạp thì chiếu theo số nguyên thâu bội lên một nữa (như số nguyên 0$20 thì thâu 0$30), ai ngạnh thì trình quan nghĩ xử, còn sự canh đập và vét mương thì bọn chuyên yển phải sức điền hộ tự làm lấy.

D/ Về sự vét mương thì mỗi năm tháng ba gặt rồi, bắt điền hộ người nào có ruộng chịu đập phải đi vét, đặng nước lưu thông, người nào không đi vét, đánh thiếu một ngày ( tuỳ số ruộng nhiều ít định số ngày) bạc hai giác (0$20), còn người điền hộ nào bỏ canh, thì mỗi phiên bắt phạt bốn giác (0$40) (đồng phiên chịu chung).

Bạc phạt trên đây đều giao cho bọn chuyên yển nhận làm, nếu bị ai tháo trộm đập đến nỗi nước khô, thì bọn chuyên yển phải tường với lý trường, tới nơi coi quả, bắt phạt một đồng (1$00) (trừ bọn tháo trộm đông người, sức mình chống không nổi thì khỏi phạt) còn đứa tháo trộm bắt phạt ba đồng (3$00) để sung làm bạc mua nước, ai ngạnh thì trình quan nghĩ trị; còn trong mấy đàng mương, cấm không ai được cấy, nếu không tuân thì phạt bạc một đồng (1$00) và thâu ba lợi sung làm công quỹ.

Mương Cây Gáo phía Bắc giáp làng Đôn Lương, phía nam giáp mương Cửa Khẩu, người điền hộ nào cản triệt, đến nỗi nước không chảy thấu Bầu Tròn thì phạt bạc năm giác (0$50) để thưởng cho người bắt được người cản triệt; còn xứ Cỏ Gừng được cản mương Cửa Khẩu, mỗi kỳ cản là một ngày một đêm.

2) Mua nước
A/ Mỗi kỳ cuối năm Tây mấy người hội đồng nhóm tính sổ yên xong, xin trích bạc hương dụng mỗi năm hai mươi lăm đồng (25$00). Kể từ năm 1938 đến năm 1941, cả thảy là 4 năm được bạc một trăm đồng (100$00) thì thôi, lựa trong làng người nào giàu có giữ số bạc ấy, để làm bạc vốn vệ nông đời đời, gặp khi mua nước thì mượn đỡ rồi trả lại.
B/ Bất cứ là mùa lúa nào bị khô phải cần đến nước, thì chuyên yển tường với lý hương như nên mua nước phải lập tức tường với hội đồng trù định, còn phí tổn bao nhiêu thì trích bạc vệ nông, giao cho bọn chuyên yển nhận lấy, nhưng bạc phí từ mười đồng (10$00) sắp lại thì lý hương trù định chớ không cần tường với hội đồng trù định.
C/ Nước mua bờ xe, hay là đập làng nào chảy xuống thì bắt một người chức việc phải cấp cơm ăn, ngày đêm thường xuyên canh giữ tại nơi đó, mãn hạn mua nước mới thôi, còn bắt điền hộ canh giữ là khác.

D/ Nước mới nhập vào bộ, ruộng cao tháo trước, ruộng thấp tháo sau, cấm không ai được tát, nhưng kỳ hạn ba bốn ngày, hay năm sáu ngày, tự nơi hội đồng trù định, rồi đánh mõ rao cho điền hộ biết; còn ruộng ở cuối mương thế nước khó thấu thì được tát (như xứ Lổ Điển hạ, từ ruộng Xa Trí, và Bờ Be từ ruộng thấy Cửu Soại sắp xuống) người nào không tuân phạt bạc một đồng (1$00) để làm phí tổn mua nước.

E/ Mua nước rồi, nếu ruộng nào nước không tới thì chuyên yển tới nơi xét biên trừ ra rồi hiệp với lý hương toán sổ chi phí, đặng tường với hội đồng trù định, thâu mỗi mẫu là bao nhiêu tiền điền hộ phải y theo kỳ hạn (trong 15 ngày mà nạp), nếu người nào quá hạn thì chiếu theo số nguyên thâu thêm trội một nửa (như nguyên tiền một quan, thì thâu một quan năm tiền) thâu rồi cấp cho người ngồi thâu phần cơm nước và công lao chút ít, còn bao nhiêu trả lại cho người giữ bạc vệ nông.
Khoản thứ 22: Cứu tai truất nạn
A/ Phòng bị hoả hoạn:
Hễ đến đầu tháng 4, thì mỗi xóm phải điểm mục, truyền cho các nhà ở trong xóm, nhà nào cũng phải sắm vài cái ảng lớn chứa nước để thường bốn phía nhà và có cả đồ múc nước, với nhà nào cũng vậy, hè trước hè sau cũng thường để sẵn thang leo; lại nghiêm sức mỗi sớm mai và chiều nào cũng vậy, nấu cơm rồi phải vùi lửa lại cho cẩn thận, không được chất cũi, rác, tranh rạ gần bốn phía bếp và cấm không được gọt lửa, mãi đến đầu tháng tám mới thôi, sẽ bắt người đi kiểm soát, hễ nhà nào không tuân thì phạt hai giác (0$20) thưởng cho người kiểm soát ấy, còn người kiểm soát có hư ứng thì cũng phạt như vậy.

B/ Đồ chữa lữa:
Mỗi xóm phải cho có hai thúng chai, để chứa nước (sâu 2 tấc tây, bề ngang 6 tấc tây) và một cái câu liêm dài cán với 4 cái thau thiếc để dùng hắt nước, còn bao nhiêu thì sắm mỗi nhà một cái gàu, như có ống thụt thì càng tốt, ấp chức phải xét kê số người chánh ngụ trong xóm, trừ ngoại mấy người già, bịnh ra, còn những người đàn ông mạnh mẽ từ 18 đến 60 tuổi cộng được bao nhiêu người, áng phần phân bổ, ngừoi nào sắm đồ gì, làm thành một quyển tiểu sách cước chú ký áp minh bạch, hễ gặp việc liền đem cái đồ phần mình sắm ấy chạy tới chữa lữa.

C/ Chữa lửa:
Hễ nghe nhà ai bị hoả chạy la lửa thì phải liền đem đồ mình sắm sửa đó mà tức tốc chạy tới cứu chữa, còn viên, kỳ, lý, hương cũng phải liền đến đó dốc sức và xét người nào thiếu mặt, người nào hư ứng chạy tới tay không hoặc có đồ mà không hết lòng cứu chữa, thì đánh đập sức cứu chữa với người ta, rồi sau sẽ đòi đến bắt phạt một bàn trầu, cau, rượu để răn he nó.

D/ Giúp nhau:
Phàm bị lửa cháy hư hại nhiều không có chỗ ở, thì bất cầu là giàu hày nghèo, hội đồng xét hiện tình mà khuyên hiểu người trong làng hoặc giúp tranh tre, hoặc ra sức giùm công mà ăn cơm nhà (nhà giàu phải dọn cơm) nhà nghèo túng thì lại hiểu giúp tiền dùm lúa nữa để tỏ lòng thương xót đồng trọ cùng nhau.
Khoản thứ 23: Học hành giáo dục
A/ Thường năm đến kỳ nghỉ nắng 10 ngày, như ngày thứ năm hoặc ngày chủ nhật thì thưởng học trò một lần, nhưng nên tường với giáo sư trước bảo học trò trong trường sáu giờ sáng ấy phải đi đông đủ, hội đồng trích lấy số bạc hương dụng hai đồng (2$00) mua giấy, viết hoặc sách vở đến kỳ đồng tới tại trường, hỏi các thầy giáo coi trò nào học được và có hạnh kiểm thì thưởng mỗi lớp ba, bốn trò, còn mấy trò không được thưởng thì lựa lời an ủi chúng nó gắng sức học cho giỏi.

B/ Học trò trong làng, người nào hạch đậu bằng cấp Pháp-Việt sơ học (Primaire) thì trích bạc một đồng (1$00) để thưởng làm số bạc nhu phí bút chỉ khoản hạch ấy, người nào thi đậu bằng Cao đẳng tiểu học tốt nghiệp (Diplômet Etude Primaire Le perium) thì trích bạc hai đồng (2$00) làm một câu đối đến mừng để khuyến khích, còn người nào thi đậu tân học cử nhân (Licarcier) hoặc tân học tú tài (Baccalauréat) thì trích bạc tú tài 3$00, cử nhân 4$00 mua rượu và làm một lá cờ vuông, trong thích bốn chữ lớn […] (tân học tú tài, hoặc là […] tân học cử nhân) đem đến chúc mừng, như mấy người đậu tú cử đó có muốn làm theo thức củ rước về làng bái yết vinh vang thì trong làng cũng y theo ý nguyện cuả họ để khuyến khích kẻ khác.

Khoản thứ 24: Bảo vệ lâm cấm
A/ Bọn khoán đổng bởi vì được hưởng lúa khoán nên bắt họ sung làm khoán cấm luôn, mà thường tuần giữ lâm cấm trong làng.

B/ Người nào thiện tiện chặt bẻ những nhánh cây tươi trong cấm, hễ dưới một gánh thì phạt năm giác (0$50) trên một gánh cùng là đốn một cây tươi thì phạt một đồng (1$00), còn đốn cây danh mộc, và cây lớn thì chiếu theo tang vật mà gia đẳng, bạc phạt ấy thì thưởng cho người khoán cấm, như người khác bắt được cũng chiếu theo lệ ấy mà thưởng; đồ tang bán được baonhiêu sung làm số bạc hương dụng.

Còn bọn khoán có bán lén, bẻ lén cũng chiếu như trên mà phạt gấp hai, bạc phạt sung công; như không tuân giải trình quan trên nghiêm nghĩ, còn ai có thả lửa đốt rừng cấm, bắt được thì gảii trìn quan xét nghĩ.

C/ Trong làng ai cũng vậy, cấm không được đem thây ma chôn lén trong địa phận lâm cấm, ai bất tuân trình nghi.
D/ Làng xin theo thể lệ lâm chánh mà đặt hội đồng gồm có lý trưởng và hương mục thườngphải đi tuần xét lâm cấm, như có dấu dốn trộm, chặt trộm, nghiệm quả là dấu mới chặt thì liền xét mấy nhà người gần bên cấm, có được quả tang chiếu theo trên đãy mà bắt phạt, bọn khoán bất lực phạt bạc năm giác ( 0$50), bạc phạt ấy sung công, còn bọn khoán cũng thỉnh thoảng phải tuần soát mấy nhà ở bên cấm để phòng cái tệ gian giảo ấy.

Khoản thứ 25: Ruộng đất của làng

A/ Một sở vườn đình giao cho tự thừa coi giữ.

B/ Một sở vườn nghĩa từ giao cho phu trường coi giữ.

C/ Một sở vườn nhà nhóm giao cho giáp làng coi giữ.

D/ Một sở vườn đình củ giao cho từ thừa cày làm

E/ Ruộng làng tám sở cộng hai mẫu bốn sào (mẫu sào xưa), trong đó trích hai sào giao cho thủ sắc làm, mỗi mùa đong cho làng 15 ang lúa, và mua sắm hương đèn phụng sự thần sắc, còn dư lại thì cho thủ sắc nhận dùng. Lại trích hai sào giao cho tự thừa cày làm, mỗi mùa đong cho làng hai chục ang lúa, còn dư lại thì cho nhận dụng. Lại trích một sào giao cho tên giáp làng làm ăn trót mà coi qúet dọn nhà hội làng và đi luân chuyển trù trát. Lại trích năm sở, cộng một mẫu chín sào, mỗi năm cho mướn một lần, lấy bạc sung công dụng.

Nhựt kỳ cho mướn ruộng làng, cứ sớm mai ngày 16 tháng 9 làm lệ nhưng phải trước mười ngày nhóm định, sở ruộng nào mướn giá bao nhiêu, yết tại nhà nhóm làng, đánh mõ rao cho người chánh ngụ trong làng biết đến sớm ngày 16 ấy, đều đến nhà tả bên đình, đặng trả giá mướn; xứ sở đông tây và số hiệu ruộng cho mướn phải đăng biên bản để lưu chiếu, còn bạc cho mướn ruộng thì trước lúc gieo mạ phải giao bạc cho đủ.

F/ Một sở vườn chùa giao cho thầy chùa coi giữ.
G/ Một sở ruộng chùa cộng một mẫu chín sào (mẫu sào xưa) giao thầy chùa cày làm, chịu thuế, thâu ba lợi mua sắm đồ chay cúng Phật.

H/ Phàm nhửng số tiền số lúa trong làng đều giao cho hương bản (trừ số bạc vệ nông thì số 2 khoản 21 đã nói rõ rồi không kể) trước vào sổ công, những sồ ấy toàn dùng chữ quốc ngữ, mà hương chức trong làng, thì ít kẻ biết quốc ngữ da dĩ tiền lúa xen kẹ, nên hương bản phải làm thêm một quyển sổ chi thâu bằng chữ Hán, và quyển sổ thâu nhận tồn căn cũng bằng chữ Hán, có lý trưởng hay là hương bộ kiềm giáp thâu dụng cho tiện
Khoản thứ 26: Cử thêm hương chức
(Đồng hương bày đặt chớ không có bằng quan)
Hiện bây giờ vâng đặt hội đồng viên nhơn và ngũ hương làm việc quan đã có định ngạch rồi, nhưng việc làng thì nhiều, cần phải đông người mới chạy việc, nên xin đặt thêm như sau này:

1. Một người thủ sắc phụng giữ sắc thần,

2. Một người tư lễ chăm sóc văn tế.
3. Một người yển trưởng, hai người chuyên yển (không cần chánh ngụ) đốc sức coi làm việc đập.
4. Một người kiểm thủ giữ đồ thờ cho làng.
5. Một người tư nghi mỗi kỳ tế thì trần thiết và bài trí sanh phẩm.
6. Một người phó hương kiểm theo phụ với hương kiểm đốc sức về việc canh tuần.

7. Một người thư ký do hương bổn nhận lãnh tiền lúa chi tiêu việc làng.

8. Một người từ thừa coi giữ sở đình và dọn quét vườn đình.

9. Dịch mục (trùm) trong sáu ấp, mỗi ấp mỗi người theo hương lý sai bát và làm khoán đồng khoán cấm.
Mấy chức trên đây đều dụng ba năm.
Khoản thứ 27:
A/ Hương lý kỳ nhóm thường mỗi tháng ngày 1 và ngày 15 thì hương chức nhóm tại nhà hội, trù làm việc công và phân xử các việc kiện vặt, trừ thình lình có việc quan gì, thì lý trưởng chiêu tập, như lý trưởng có mắc việc gì thì hương bộ chiêu tập.

B/ Thường kỳ đại hội đồng, mỗi ba tháng nhóm một kỳ, 15 tháng ba, 15 tháng sáu, 16 tháng chín, 24 tháng chạp thì đại hào mục chiêu tập, như đại hào mục có mắc việc gì, thì kỳ hào chiêu tập, trừ lúc chiêu tập bất thường, thì không kể, mỗi kỳ nhóm thì nhóm tại chỗ nào, lúc mấy giờ, nhóm bàn việc gì, phải báo cáo cho các sắc người biết, đến ngày tới nhóm, nghị luận xong, sẽ làm biên bản ký chỉ, rồi thi hành, nếu người nào có duyên cớ gì không đi nhóm được, phải sai người cáo khiếm diện, nếu tự tiện khiếm diện không nhóm hay là khi nhóm không nói năng điều gì, sau lại dụng ý nghỉnh ngản (như không ký biên bản kiếm điều bát khước v.v…) việc to tát thì trích trình, việc nhỏ mọn thì phạt một bàn trầu, cau, rượu…

C/ Hai kỳ hội trên đây, hễ người hương lý đương thứ dự hội thì không cần mời, giấy tờ thì đều giao cho đại hào mục biên nhận giữ lấy tờ biên nhận ấy thì giao cho lý trưởng giữ để lưu chiếu, như đại hào mục thối chức, thì luân giao cho đại hào mục thứ để khỏi di dịch.

TIẾT THỨ 6: PHÂN BỔ SƯU THUẾ
Khoản thứ 28: Thường năm mỗi đến kỳ thuế, lý trưởng nhận lãnh bài chỉ về tường với đại hội đồng chiếu y trong bài chỉ phân bổ đinh điền các hạng xâu thuế bao nhiêu, yết tại nhà hội và trường thuế, cho nhân dân đều biết, để khỏi sự thâu lên và nạp lận.

TIẾT THỨ 7: THƯỞNG PHẠT TRONG LÀNG
Khoản thứ 29: Thưởng
A/ Trong làng có người nào xuất của làm việc gì (như khai mương, đắp cừ, làm cầu, làm cống, làm trường học,sửa đình chùa v.v..) có ích lợi đồng làng, mà bạc phí một trăm (100$00 ) trở lên thì trích bạc hương dụng năm đồng (5$00) khắc biển để tại nhà hội, thường niên tế xuân thì kỉnh lòng tộ và trừ khỏi tạp dịch để tỏ lòng là người có công ích.
B/ Trong làng người nào nhànghèo mà biết đạo làm con nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ, có hiếu hạnh nổi tiêng đồn thì trích bạc năm đồng (5$00) cấp thưởng để khuyến khích.
Khoản thứ 30: Phạt

1. Kiện cáo: Hễ người nào có bất bình với ai sự gì, tới làng thưa nài, thì lệ làng có tiền tụng phí, như ruộng đất là đại tụng, thì tiền nghi ba quan (3$00), đánh lộn là tiểu tụng thì tiền nghi là một quan năm tiền (1$50) tiền ấy đều bỏ vào hương quỹ để chi tiêu việc làng, trong làng người nào có việc bất bình với nhau, phải trình làng xét xử chớ không được đánh lộn nằm vạ ồn ào, người nào không tuân thì phạt bạc từ ba giác (0$30) đến một đồng hai giác (1$20) hoặc phạt dịch, nếu ẩu đả trọng thương thì trình nghĩ.

2. Phàm tới nhà hội, bất cầu là ai cũng phải khăn đen, áo dài chỉnh đốn, nói năng có lễ phép, chớ người nào nói lớn tiếng, hoặc uống rượu say, nói ngang tàng, cử chỉ trái phép, thì phạt một bàn trầu, cau, rượu, ngạnh thì làm tờ bằng cớ (có cả người hiện diện đó ký áp) trình trị.

3. Hương chức đi việc quan, mỗi bữa ăn bạc phí từ bảy xu (0$07) đến một giác (0$10) trong làng thì 0$70 ra ngoài thì (1$00), trừ bạc xe ngoại, người nào lạm tiêu thì phạt một bàn trầu, cau, rượu và sức trả lại cái số bạc lạm tiêu ấy.

4. Không cầu là ở nhà riêng người nào, hay là tại chỗ nào, nếu kẻ nhỏ đối với người trên, dân đốivới hương chức, người nào nói năng xứt ngạo, đi ngồi hổn đồng thì phạt một bàn trầu, cau, rượu.

5. Nhà ai cũng vậy, bất cầu là đàn ông, đàn bà tối lại đều yên lặng, nếu trong nhà ai, hay là ngoài đường cái, không có việc gì mà nhóm nhau giỡn hớt, hay là rầy lộn nhau ồn ào, thì đều phạt bạc hai giác( 0$20) sung công.

6. Trừ trong ba ngày tết thì không kể, phàm các cuộc cờ bạc (như tài bàn, tứ sắc, hó, ma, bài cào v.v..) nhứt thiềt nghiêm cấm hết, nếu trong làng nhóm nhau cờ bạc, quả có tang chứng thì nhứt thiết giải trình.

7. Hễ nhà ai giã gạo mà ca hát (hát hò) tụ tập đàn ông, đàn bà, trên mười người thì phạt người chủ nhà ba giác (0$30) sung công.

8. Người nào bị mất gà, mất heo, hay là đồ gì tìm kiếm không được, mà lại công nhiên chưởi mắng mông lông, dầu không phải kêu tên người nào cũng vậy, cứ phạt bạc hai giác (0$20) sung công.

9. Ai mà rút phá hàng rào của người ta hay là bẻ trộm măng, bắt được mỗi mụt măng thường một giác (0$10) còn hàng rào sữa lại cho y như củ, đều phạt bạc hai giác (0$20) sung công.

10. Sự giăng nò bắt cá, thường khi làm lở ruộng trôi bùn, từ rày về sau chủ nò phải đến nói với chủ ruộng, có thoả cho mới được, nếu công nhiên giăng đống không nói với ai, đến nỗi sinh ra đánh đập kiện cáo thì phạt người chủ nò một đồng (1$00) sung công, và sức dở nò dọn về.

11. Trẻ chăn trâu, chăn bò, khi thả trâu bò đi ăn và khi lừa về,thì không được để trâu, bò đứng hai bên đường, sợ nó đực cái hoặc báng lộn nhau, làm cho người đi đường kinh sợ chạy bậy, sinh ra sự nguy hiểm, hễ đứa chăn nào không tuân thì phạt dịch nửa ngày, còn nếu biết con trâu, con bò nào vẫn hay duột người, thì người chủ có trâu bò phải cưa bằng cái đầu sừng nhọn ấy đi; còn như trâu bò nào hung hăng phải trình quan xin xẻ thịt, ai không tuân thì phạt năm giác (0$50) sung công và sức chiếu theo trên đây mà làm.

12. Phàm phạt bạc mà người nào nghèo không kham chịu nỗi thì đổi phạt dịch, cứ một ngày khấu bạc hai giác (0$20).

Lại người bị phạt dịch thì giao cho trùm xóm dẫn tới vườn đình, hoặc vườn miễu, hoặc trường học, hoặc đường tư ích mà làm xâu như dẫy cỏ cùng bồi đắp mấy chỗ xoi lở, hoặc làm các việc khác., lợi ích đồng hương.
Các khoản thu chi trong làng đều phải trước vào sổ sách hương qũy.

Bản hương ước này như mong y cho, xin sao giao cho mỗi ấp hai bản (một bản chữ Hán, một bản chữ Quốc ngữ) có lý bộ nhận triện kkiềm giáp hội đồng chứng ký minh bạch, rồi mỗi ấp ban đêm điểm mục nhóm những người trong xóm nào chánh nào ngụ, đều tới tại chòi canh, hoặc tại nhà chức dịch trong xóm, rồi người chức việc ấp ấy đem bản quốc ngữ ấy ra đọc qua một dạo, đặng ai nấy đều hiểu, rồi lấy ký áp mấy người dự thính đóng theo bản sao lưu chiếu.

Xin từ rày về sau hể đến ngày 15 ngày 16 tháng hai thì giảng đọc một lần, đặng mọi người đều nhớ tuân theo mà làm, nếu sau này thời thế thay đổi, có muốn thêm bớt khoản nào cho hiệp thời nghi, thì sẽ trình quan trên xin cải./.

Bát phẩm
Cửu phẩm
Cửu phẩm
Cửu phẩm
Giám sinh
Cựu đại hào mục
Đại hào mục
Kỳ hào
Kỳ hào phó tổng dụng
Kỳ hào
Kỳ hào
Hương bộ
Tộc biểu
Tộc biểu
Tộc biểu

Hương kiểm
Cựu thủ sắc

Tộc biểu
Xã đoàn
Cựu xã đoàn
Hương mục
Hương mục
Phó lý
Hương dịch
Thơ ký

Giáo thụ hoằng tổng

Tộc biểu
Cựu phó lý
Tộc biểu
Tộc biểu
Phó xã đoàn
Cựu hương dịch
Tộc biểu
Hương dịch
Tộc biểu
Hương bộ
Lý trưởng
Nguyễn Thu tự ký
Phan Hưng áp chỉ

Lê văn Thoại tự ký
Lê Quang Nhạc tự ký
Phạm Võ Du tự ký
Trịnh Kiền tự ký
Phạm Xuân Mai tự ký
Trần Đại tự ký
Nguyễn Liên tự ký
Huỳnh Hà tự ký
Hồ Tháo tự ký
Phạm Xuân Dương tự ký
Phạm Tuân tự ký
Nguyễn Cầu tự ký
Lê Võ tự ký
Trần Ngọc Mạo tự ký
Lê Hoán tự ký
Phạm Trác tự ký
Đỗ Thế tự ký
Trịnh Diêu tự ký
Lê Khôi tự ký
Võ Cư tự ký
Trần Dung tự ký
Lê Ngân tự ký
Huỳnh Giám tự ký
Võ Chỉnh ký
Hồ Luân tự ký
Hồ Bỗng tự ký
Huỳnh Cúc tự ký
Trịnh Toản tự ký
Trịnh Lân tự ký
Lê Trực tự ký
Huỳnh An tự ký
Trương Oán tự ký
Lê khái tự ký
Lê Quang Tuyển ký
Trịnh Tiên ký

Duyệt y
Quảng Ngãi, ngày 14.5.1938

Công sứ Tuần Vũ
Ký tên: Không rõ Ký tên: H.Q.Địch
Hội đồng xã thôn ký:
Đại hào mục Phạm Xuân Mai tự ký
Kỳ hào Trần Đại tự ký
Kỳ hào Huỳnh Hà tự ký
Kỳ hào Hồ Tháo tự ký
Kỳ hào phó tổng dụng Nguyễn Liên tự ký
Hương bộ Lê Quang Tuyển ký
Lý trưởng Trịnh Tiên ký
Khán và chứng thực sao y bản chánh
Mộ Đức, ngày 01.10.1942

Tri phủ


0 Comments:

Post a Comment

<< Home