Sunday, November 27, 2005

Lụt Bất Quá

Nhớ Ông thầy Châm, ông trò Uyên

Bài vè Lụt Bất Quá Xin giới thiệu cùng các bạn Bài vè Lụt Bất Quá của Tú Tài Phan Thanh, người Huyện Sơn Tịnh.(
TÚ BẢY TỤC GỌI TÚ THẦY)
(TRÍCH : SƯU TẦM VĂN HỌC BÌNH DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI . Đăng trên Đặc san - Báo lớp Chép tay - do Học sinh lỚP 10C - TRUNG HỌC TRẦN QUỐC TUẤN -NIÊN KHOÁ 70 – 71, ...)
Bài vè này trình bày một thiên tai . Thiên tai này có tên
là lụt “Bất Quá” .
Năm Tự Đức thứ 31, tức năm Mậu Dần 1878 , trờ hạn , sau đó lại lụt rất lớn.
Lúc nước vào ngập vườn, mọi người dẫ có lo nhưng bảo : bất quá đến sân là cùng.
Khi nước đến sân, lại bảo : bất quá vào nhà.
Và người ta cứ nói “bất quá” ngập sâu hơn , nước lê cao hơn .
Do đó nhắc lại kỷ niệm " lụt Bất quá ".
Tác giả bài vè là một nhà nho, Ông Tú Bảy, tục gọi Tú Thầy tên Phan Thanh, đậu Tú tài kép, ngừơi làng An Nhơn (hiện là Sơn An, Sơn Tịnh Quảng Ngãi).
Ngài từng ngồi nhà dạy học. Nhiều học trò giỏi đỗ đạt. Có các ông Tạ Tương (Tiến sĩ Nhâm Thìn 1892), Đỗ Duân (Hội Nguyên), Trương Quang Đãn (Đông các Đại học sĩ), Lê Trung Đình (Cử nhân) …

Vì bận và gấp, chưa kịp sắp xếp lại phần chú thích. Khi đọc toàn bài vè có thể thấy hơi vướng ... Xin các bạn thông cảm.
PMT
----------------------------------------------------------------------
Bài vè này trình bày một thiên tai liên quan đến một vài biến cố lịch sử. Thiên tai này có tên
là lụt “Bất Quá” nguyên nhân như sau : vào năm Tự Đức thứ 31, tức năm Mậu Dần 1878 lụt rất lớn. Lúc đầu nước vào vườn mọi người đều bảo : bất quá đến sân là cùng. Khi nước đến sân, bảo là bất quá vào nhà. Và người ta cứ nói “bất quá” cho nên trận lụt có tên là lụt Bất quá. Tác giả bài vè là một nhà nho, Ông Tú Bảy, tục gọi Tú Thầy tên Phan Thanh, đậu Tú tài kép, ngừơi làng An Nhơn (hiện Sơn An, Sơn Tịnh Quảng Ngãi). Dạy học, nhiều học trò giỏi đỗ đạt : Tạ Tương (Tiến sĩ Nhâm Thìn 1892) Đỗ Duân (Hội Nguyên) Trương Quang Đãn (Đông các Đại học sĩ) Lê Trung Đình (Cử nhân) …
Ông HUỲNH CHÂM, nguyên Giáo sư Trần Quốc Tuấn Quảng ngãi Sưu tập và chú giải ( trước 1970 )
-------------------------------------------------------------------
BÀI VÈ LỤT BẤT QUÁ
( Cụ Kép Phan - Thanh )
Thuở vua Tự Đức trị vì
Thái hoà tự Võ (1) khác gì Đường Ngu (2)
Nơi nơi kích nhưỡng (3) ca cù
Thái sơn bàn thạch cơ đồ vững an
Tuy loài hải thuỷ sơn man
Cũng mến oai đức thê bằng (4) lai qui ...

1) Tức Thế Tôn Hiếu Võ (1739 – 1766) đến đời Hiếu Võ họ Nguyễn mới bắt đầu xưng Vương.
2) Hai đời thịnh tri nhất của các triều đại Trung Quốc
3) Đánh nhịp để khen ngợi.


Cớ sao vận hội bất kỳ
Năm ba mươi mốt can chi Mậu dần (5)
Tai trời khắp xuống chúng dân
Ba huyện (6) Quảng Ngãi mười phần tả tơi

Nắng cho năm bảy tháng trời
Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
Tháng ba bị háp (7) đã xong
Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô
Rủ nhau đào giếng vét hồ
Kẻ múc người tát, hụi hô đêm ngày
Bờ xe (8) bờ đập cạn bày
Đất gò, đất thổ chẳng cày đám mô

4) Thê : là trèo thang, tức trèo núi; băng : vượt nước tức vượt biển
5) Năm Tự Đức 31 tức năm Mậu Dần 1878
6) Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa
7) Lúa bị nắng cháy một phần
8) Bờ xe nước
9) Đàn cầu mưa

Ngoài kinh chỉ dụ truyền vô
Dạy quan thiết lập Võ vu (9) mà cầu
Tỉnh cùng phủ huyện đâu đâu
Vái lạy các miểu mà cầu cho dân


Ba ngày nhập đảo một lần
Kể năm bảy thứ quỷ thần không linh
Phải lên Thiên Ấn cầu kinh (10)
Thấy Ông Di Lặc làm thinh cười hoài
Ông Đốc (11) nằm đất ăn chay
Quỳ hương niệm Phật nắng hoài mà thôi
Thầy tu ăn hết chuối rồi
Quan bị giáng phạt sợ thôi kinh hồn
Lại truyền cho khắp xã, thôn
Đảo cầu trống phách chiêng ầm vang tai

Thời trời cũng cứ nắng hoài
Giá lương, giá lúa càng ngày càng cao

Tháng năm tháng sáu chưa sao
Hạ tuần tháng bảy lương Tàu (12) mười quan
Ai ai nghe nói kinh hoàng
Dầu nhà có bạc, có vàng cũng nao
Muôn dân đói khát lao đao
Cả trong ba huyện sáu xứ nào cũng cay
Chú thích:
10) Lệnh của kinh đô Huế
11) Trường thời bấy giờ dạy chữ Hán
12) Lúc bấy giờ mọi dịch vụ buôn bán đều do người Tàu : Lúa gạo cũng do người Tàu chở đi bán. Lương Tàu : Lúa gạo do Tàu bán.

Chức việc rủ đậu tiền tay
Kẻ nhiều người ít trợ rày cho dân
Mảng lo những kẻ cùng bần
Ai ngờ chức việc lần lần cũng bê

Bán cho đến hủ, đến ghè
Lãnh đường, lãnh mật, lãnh chè (13) mùa sau
Ngoài đồng chẳng có cọng rau
Củ nần, củ chóc cũng đào mà ăn
Đổ mèo, đổ rựa, đổ sen
Củ cun, củ cóc (14) cũng mằn cho ra
Nói chi trái gáo, trái da
An hết đu đủ làm qua bánh dầu
Kẻ này (15) cầm cố bò trâu
Người lạy bán ruộng, người cầu bán con

Lòng hằng (16) quân tử hãy còn
Tiểu nhân túng biến ra tuồng làm nhăng (17)
Đứa thời bẻ mít bẻ măng
Đứa thời giựt áo, giựt khăn, giựt quần
Ra đường cướp gánh, cướp bưng
Vào nhà xách chậu, xách nừng, xách nia
Xin (18) đâu cũng giọng sân si (19)
Nhà nào cho ít nó thì hăm he
Ban đầu đốt miểu, đốt tre
Lần lần đốt ngõ, sau nghe đốt nhà
Mỗi đêm lửa cháy sáng loà
Mõ ống (20) như nhái kêu la ỏi trời
Chú thích:
13) Nước chè hai, tức nước mía dùng làm đường
14) Những loại củ dại ngoài đồng có thể ăn được
15) Năn nỉ
16) Hằng tâm
17) Làm bậy


Tuần phòng trát sức khắp nơi
Càng canh càng nhặt, càng vời (21) nhiễu nhương
Tỉnh thành biểu tấu triều đường
Sai quan Đoàn sứ (22) Thị lang trả về
Khâm tuân Hoàng Thượng châu phê
Tùy nghi điều tể (23) tính bề cho an
Phóng bằng (24) Cử, Tú hưu quan
Khuyên quyên tiền túc (25) cứu hoang (26) cho cần (27)
Các thầy thân vãng (28) xã dân
Vưng lời chỉ dụ phân trần thiệt hơn

Nước nhà dễ muốn bòn dân,
Gặp khi cơ cẩn (29) phú bần tương tư (30)
Các người dù có của dư
Cũng nhờ chúng nó buổi xưa cấy cầy
Giúp nhau khi đói mới hay
Nói chi bù cặp (31) những ngày ấm no
Các ngươi biết nghĩ biết lo
Cũng nên nhiều ít trợ cho dân tình

Huống chi có chỉ triều đình
Vua ngài không phụ ơn mình ở đâu
Sáu mươi (32) chuẩn miễn (33) binh diêu (34)
Phân đầu (35) thâu liễm ít nhiều sẽ hay
Ai mà quyên xuất tiền tay
Tám trăm một trật sắc rày Vua ban
Sáu trăm tùng cửu phẩm quan
Dư hữu ứng thí cho hàm văn giai (36)

Người nào so vắn tính dài
Có ý sắc lận giải ngay Tỉnh đường
Có người cũng sợ phép quan

Chú thích:
18) ăn xin
19) La lối
20) Mõ làm bằng ống tre
21) Nhiều
22) Quan chánh sứ họ Đoàn, Đoàn Đình Nhàn
23) Điều tế : điều hoà các vị thuốc với nhau
24) Cấp bằng bừa cho những người không đậu nhưng những bằng này không có giá trị
25) Gạo
26) Cứu đói
27) Siêng năng
28) Đích thân đi viếng

29) Cơ : đói nhưng còn có rau mà ăn. Cần : đói không có rau mà ăn
30) Giúp đỡ lẫn nhau
31) Giúp đỡ
32) Quan tiền
33) Chấp nhận cho khó
34) Việc binh
35) Chia đầu người
36) Người nào có đi thi thì cho hàm văn giai lớn hơn hàm vỏ

Người nào so vắn tính dài
Có ý sắc lận giải ngay Tỉnh đường
Có người cũng sợ phép quan
Có người hiếu nghĩa ráng gan mà làm

Kẻ xin ta tiểu (37) phẩm hàm
Người xin tùng, chánh (38) quan Khâm cũng ừ
Bao nhiêu tiền túc (25) tích chừ (39)
Chiếu theo tổng lý khai tờ mà phân
Thứ, thậm (40) nhị hạng bần dân
Nửa chẩn, nửa thại (41) quân ân khắp đều

Hãy còn những đứa vô liêu (42)
Dạo xin làng xóm, cướp phiêu dân lành (43)
Bảng treo các chợ rành rành
An mày đau ốm thiệt tình hãy cho
Nhược bằng những kẻ côn đồ
Lập hành nả giải (44) chớ cho lăng loàn
Đóng năm bảy đứa một gian (45)
Kéo đi cả lũ như đàn kênh kênh
Mỗi chiều mỗi dắt cổ lên
Đánh cho thúi thịt lại bền (46) câu giam
Loài gian mựa tiếng ghê hồn (47)
Đam (48) nhau trốn núp âm thầm nín hơi
Chú thích:
37) Ít nhiều
38) Cùng một ngạch nhưng có hai trật : chánh (lớn hơn) tùng (nhỏ hơn)
39) Xưa nay
40) Thứ : hạng vừa, thậm : hạng quá
41) Chẩn : cho luôn. Thại : cho mượn
42) Du đãng
43) Trốn tránh
44) Phải lập danh sách tróc nả bắt giải
45) Một ngăn của cái gông
46) Lầu


Phút đâu chuyển động cơ trời
Mười bốn tháng tám khắp nơi bà đà (49)
Bốn phương thấy trận mưa sa
Mừng như cha mẹ thác mà sống nay

Lăng xăng kẻ cuốc, người cày
Đám gieo, đám mạ trời nay trả mùa
Nhiều nơi bàn định hơn thua
Ta tỉa bắp thẻ (50) bắp mùa mau ăn
Làng trên xã dưới giăng giăng (51)
Nà (52) nào nà nấy tốt bằng đổ phân
Thấy cây thấy lá đương mừng
Ai cũng kể chắc chạy lần mà ăn (53)
Chú thích:
47) Nghe tiếng
48) Đem
49) Mưa to lắm
50) Một loại bắp nhỏ trái hai tháng rưỡi là thu hoạch
51) Đâu cũng có
52) Khu đất trũng rộng
53) Kiếm ăn lần hồi
54) Tiền giả do Tàu mang vào Việt Nam tiêu, mỏng, lỗ to hơn tiền Việt. Tên Huỳnh Quang lái buôn chủ mưu bị tử hình
55) Đến

Có tiền mua cũng khó khăn
Hay đâu tháng chín lộn xen tiền Tàu (54)
Nhà nghèo chí liễn (55) nhà giàu
Lỗ to, lỗ nhỏ (56) cãi nhau tối ngày
Một hai kẻ có còn may
Kêu trời khóc đất thảm thay nhà nghèo
Lãnh công lãnh chẩn bao nhiêu
Đem mua gạo bắp chợ đều không ăn
Xỉa ra nó sáng nó dằn
Mùng tràng (57) đậy lại vùng vằng ném ra
Chợ nào có đánh có la (58)
Nó bán tiền (59) gạo đáng ba mươi đồng
Có người xách mủng về không
Liu chiu lít chít với chồng với con
Mấy đồng tiền điếu (60) hãy còn
Để đó mà ngó chồng con ăn gì
Bao giờ chỉ nghị có về
An mấy ăn mấy một bề cho xong...
Chú thích:
56) Vì tiền giả lỗ to
57) Làm bằng nan, hình tròn dẹp, dùng để đậy
58) Về sau làng xã tự động ra lệnh cho bạn hàng phải ăn tiền giả. Bà Từ Dủ phải quy định đồng tiền giả này ăn ba đồng (trước tiền giả này cũng ăn sáu đồng )
59) Một tiền là 60 đồng
60) Tiền điếu là tiền lớn ăn sáu đồng. Tiền giả này cũng là loại tiền điếu.

Tháng mười đương tạnh khi không
Nửa đêm mười bốn đùng đùng gió mưa
Mười rằm mười sáu còn vừa
Sang ngày mười bảy lụt mưa ba đào
Trên nguồn, dười biển cũng dào (61)
Chỗ thấp ngập nóc, chỗ cao lên dàn (62)

Um sùm trống mõ la làng
Bò ồ, heo éc kêu vang tứ bề
Kẻ chun cu đĩ (63) kêu ghe
Người trèo lên nóc kêu bè đưa đi
Giữ nhau cho khỏi lưu ly
Bò trâu nhà cửa trôi gì nó trôi
Gia tài khí mảnh (64) vô hồi
Nhân đinh (65) súc vật kể đôi mươi ngàn

Dưới sông kẻ dọc người ngang
Trên bờ chiu chít thở than bồi hồi
Ai mà thác mất đã rồi
Ai còn sống lại cũng ngồi nhịn trong (66)
Đói mà còn sống cũng xong
Thương người trôi nổi dười dòng nước sâu
Kẻ kêu khóc vợ con đâu
Người thảm cha mẹ, người rầu anh em
Chú thích:
61) Nhiều, đầy
62) Rầm nhà bằng tre
63) Phần trống ở hai bên nóc nhà
64) Vật liệu, đồ đạc
65) Người
66) Nhịn đói


Sang ngày mười tám nửa đêm
Mở (67) ba cửa biển (68) gió êm nước ròng
Ai mà thác mất đã xong
Ai còn sống lại trong lòng xót xa
Về coi nát cửa hại nhà
Gạo bắp trôi hết, heo gà cũng không

Đời cha chí liễn (55) đời ông
Lụt sao cá biển lên đồng sinh con
Trên nguồn lở núi, lở non
Đồng nội sanh lý chẳng còn vật chi
Lang trôi, bắp ngã li bì
Đổ khô, mạ dập lấy gì nuôi nhau
Lâu nay khó, cậy nhà giàu
Từ nay đói khát ốm đau ai giùm
Nơi nơi than khóc um sùm
Có đất có ruộng cố cầm cho ai

Chú thích:
67) Cửa sông bị cát lấp, bây giờ lụt lớn khai thông
68) Đó là ba cửa : cửa Thế cần và cửa Sa Kỳ (Bình Sơn), cửa Cổ Luỹ (Tư Nghĩa)
69) Cho người về khám nhà, người, bò, trâu

Tỉnh thành biểu tấu bị tai
Nhứt diện phái (69) khám : nhà, người, bò, trâu
Nhà ai sở bị phiêu lưu (70)
Hạng thậm (71) thì phát mỗi đầu hai quan
Nhà ai sở bị thường thường
Hạng thứ thì phát một quan hai tiền (72)
Nhơn đinh súc vật cũng biên
Còn chờ ấn chỉ (73) truất tiền bao nhiêu

Ơn vua nhờ cũng đã nhiều
Nắng rồi lại lụt của đâu cho thường
Triều đình bách kế thiên phương (74)
Sao cho lê thứ (75) tiện đường sinh nhai (toại)
Tuy quan điều tể có tài (76)
Tai trời, vận nước thì ngài biết sao
Lần hồi bữa cháo, bữa rau
Chầy chầy may đặng bữa nào sẽ hay
Chú thích:
70) Trôi
71) Quá
72) Thường
73) Lệnh vua cho
74) Trăm phương nghìn kế
75) Dân đen
76) Quan họ Đoàn, xem chú (22)
77) Thời vận xoay chuyển, hết xấu lại tốt.

Chữ rằng : Bỉ cực thái lai (77)
Có đâu trời nỡ hại hoài dân ta
Quê mùa mấy chữ nôm na
Đủ biên sự tích để mà nghe chung
========= hết ================


__________________

3 Comments:

Blogger 4vota said...

Vì là một bài vè truyền khẩu , cho nên chắc chắn một số ' chữ ' , một số ' lời' ... không thể còn đúng như thủa ông Tú Phan ...làm ra .
Hy vọng sẽ có những bạn xa gần góp ý , để cho nó được hoàn chỉnh hơn .
MâyThiênBút.
Mong thay !

8:16 PM  
Blogger 4vota said...

Ví dụ như câu:
Tỉnh thành biểu tấu triều đường
thì hai chữ ' tỉnh thành ' , đáng ra phải là ' tỉnh thần' = quan tỉnh , quan Tuần vũ .
Tuvota

10:49 AM  
Blogger 4vota said...

sơn tinh thủy quái
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh thủy quái
Người thì sa nanh sói ngà voi
Có người hay đẻ không nuôi
Có người sa sẩy có người khốn thương.
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?

7:07 PM  

Post a Comment

<< Home